Sẵn sàng mọi biện pháp phòng tránh thiệt hại do cơn bão số 12
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:35, 02/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 02/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ về chủ động phòng tránh thiệt hại thấp nhất do cơn bão số 12 gây ra.
Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 12
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, sáng ngày 02/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey. Vào hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 720km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần. Ngoài ra, hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên từ ngày mai (3/11), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Từ chiều và đêm mai (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 12 và không khí lạnh nên khu vực chịu thiên tai phức tạp, trải rộng từ Quảng Bình trở vào, đối diện với gió mạnh, mưa lũ lớn, nước biển dâng cao kết hợp triều cường, đặc biệt các tỉnh miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, đúng vào thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Để chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 12 gây ra, đồng thời bảo đảm Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra an toàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu:
1. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ); chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức công tác quan trắc, thu nhận thông tin, số liệu khí tượng thuỷ văn, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ; có kế hoạch cụ thể, tăng cường tần suất cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quan trắc phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 06 đến ngày 11/11/2017.
2. Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2050/QĐ-BTNMT ngày 07/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế phối hợp về dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn giữa Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia với Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu.
3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để xử lý kịp thời những sự cố do bão gây ra trên biển.
4. Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, mức, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau mưa lũ.
5. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do bão, mưa, lũ gây ra.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nêu trên chủ động phối hợp với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực: Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để tham mưu, tổ chức công tác thu nhận thông tin, phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ theo dõi sát tình hình mưa, lũ trên địa bàn Thành phố trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng lên phương án rà soát, chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết nguy hiểm, khó khăn để Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp.
8. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1512/QĐ-BTNMT ngày 18/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra và kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ.
Theo Monre