Hà Nội còn tồn tại 3 trọng điểm và 10 vị trí xung yếu phòng chống lụt bão

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:00, 11/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm phục vụ công tác phòng chống thiên tai thời gian tới. Qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, trên các tuyến đê thành phố đã xác định còn 3 trọng điểm phòng chống lụt bão và 10 vị trí xung yếu.

Trên các tuyến đê tại Hà Nội đã xác định còn 3 trọng điểm phòng chống lụt bão và 10 vị trí xung yếu

Theo đó, toàn thành phố có hơn 626km đê được phân cấp (cấp đặc biệt, cấp I, II, III và cấp IV), hơn 62km đê cấp V, 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,84km chưa được phân cấp và các tuyến đê nội đồng chống úng ngập. Dọc các tuyến đê có 155 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài hơn 183km; 193 cống qua đê; 279 giếng giảm áp trên tuyến đê hữu Hồng.

Ngoài ra, còn có các công trình như: Hai công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy; 25 vị trí đường tràn điều tiết trong vùng chậm lũ huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Về công trình hồ chứa thủy lợi, trên toàn thành phố có 104 hồ thủy lợi các loại, với tổng dung tích thiết kế khoảng 177 triệu m3. Đa phần các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đều đã được sử dụng trên dưới 30 năm. Trong các năm vừa qua, tuy đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp nhưng nhiều hạng mục công trình như đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình khi tham gia chống lũ.

Để bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp tích cực với sở, ngành liên quan xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều; đôn đốc UBND các xã, thị trấn và các đơn vị quản lý công trình có kế hoạch thường xuyên kiểm tra và đánh giá công trình trước và sau mưa bão; chủ động kế hoạch tu sửa, xử lý kịp thời các hạng mục công trình hư hỏng; kiểm tra vật tư dự phòng để có kế hoạch bổ sung.

Cùng với đó, lập phương án phòng, chống lụt bão, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Các hồ chứa nước loại lớn trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và phê duyệt; các hồ chứa nước loại vừa và nhỏ trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt; phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm thành phố do UBND thành phố phê duyệt.

Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, hệ thống đê điều, hồ đập, kè, cống, hệ thống thoát nước đã được các cấp đầu tư tu bổ, nâng cấp; đến nay cơ bản chống được với mức lũ thiết kế. Tuy vậy, hệ thống đê nội địa vẫn còn nhiều đoạn xung yếu; trên mặt đê còn để nhiều vật liệu xây dựng, phương tiện quá tải đi lại, vi phạm công tác bảo đảm an toàn mặt đê, cản trở lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; một số sông nội địa, lòng sông có đoạn còn nhiều vật cản ảnh hưởng tiêu thoát lũ, cần được khắc phục trước mùa mưa bão…

Theo HNP