Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì họp đoàn Việt Nam tham dự COP 23

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:09, 17/11/2017

Việt Nam – Đức thảo luận về Sáng kiến khí hậu (IKI)

(Moitruong.net.vn) – Nhằm nắm bắt các xu thế đàm phán tại các thảo luận kỹ thuật, chỉ đạo thực hiện trong việc tham dự Phiên cấp cao, các công việc cần thực hiện ngay sau khi kết thúc chuyến công tác, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì họp đoàn công tác Việt Nam tham dự COP 23 tại Bonn, Cộng hòa liên bang Đức.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng ban đàm phán của Việt Nam tóm tắt các nội dung thảo luận chính cho tới ngày 15/11/2017

Theo ông Tấn, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trước 2020 được các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề tại COP 21 các nước phát triển đã hứa sẽ tăng nỗ lực giảm phát thải trước 2020 nếu thỏa thuận Paris được thông qua với sự tham gia của các nước đang phát triển. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, lời hứa này chưa được các nước phát triển thực hiện. Trong số 86 nước đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2, mới chỉ có rất ít nước phát triển thực hiện. Vì vậy 137 nước thuộc nhóm G77 đã yêu cầu các nước phát triển phải có lộ trình cụ thể để phê chuẩn Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2, từ nay đến hết 2018. Vấn đề tài chính hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc.

Tình hình tài chính dài hạn 100 tỷ Đô la của các nước phát triển đưa ra, qua nhiều năm và không được hiện thực hóa. Cách tính đóng góp tài chính của các nước là khác nhau, con số kiểm kê mức đóng góp tài chính do các nước phát triển đưa ra khác xa so với những gì các nước đang phát triển thừa nhận. Về việc triển khai Thỏa thuận Paris: tất cả các nội dung thảo luận được tóm tắt dưới dạng bản ghi nhận không chính thức để các quốc gia tiếp tục đàm phán trong năm 2018. Các bản ghi này tuy đã nỗ lực, nhưng rất chứa đựng nhiều nội dung mâu thuẫn nhau. Điều này dự báo để thông qua được văn bản chi tiết thực hiện Thỏa thuận Paris, các nước phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách trong năm 2018.

Bà Lê Thị Minh Thoa, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) tóm tắt một số quan điểm của các nước liên quan đến việc thực hiện Thỏa thuận Paris và đề nghị cần có những đóng góp bằng văn bản cho các nội dung này.

Ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết qua thảo luận căng thẳng, các nội dung liên quan đến an ninh lương thực, tính dễ bị tổn thương trong nông nghiệp đã đưa được vào nội dung kết luận của Hội nghị.

Ông Hoàng Văn Tâm, Bộ Công Thương cho biết cần thêm về thời hạn hoàn thành việc xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức giảm phát thải tại Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Các thành viên đoàn Việt Nam tại COP 23

Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng nêu bật một số hoạt động của lĩnh vực xây dựng tại Hội nghị. Ngày 14/11/2017, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã ký 2 thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và phát thải cac bon thấp với Cục quản lý môi trường và năng lượng của Pháp và Liên minh toàn cầu về nhà ở và xây dựng. Ông đề xuất tại các COP tới cần tổ chức 01 ngày Việt Nam mời các Quỹ và các Bộ ngành tham dự trình bày về các hoạt động của Việt Nam và các đề xuất trong thời gian tới trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho biết các hoạt động của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong khuôn khổ hội nghị COP 23. Bà cho rằng, cần xác định các giải pháp ưu tiên cần thực hiện sớm để đạt được mục tiêu cam kết. Ngoài ra nội dung thích ứng trong lĩnh vực giao thông cũng được quan tâm hơn tại COP 23.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết về những hoạt động chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tại COP, tham gia các cuộc họp bên lề với Quỹ Khí hậu xanh (GCF) về đề xuất NAP do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, và 02 đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Văn Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết còn nội dung vướng trong đánh giá minh bạch trong chuyển giao công nghệ, đã đưa quan điểm trong các phiên họp SBSTA47 về việc có hướng dẫn chung, tổng hợp các công nghệ, đánh giá công nghệ phù hợp với các nước như thế nào.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Việt Nam là thành viên chính thức của Thỏa thuận Paris, là nước chịu nhiều tác động và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, vì vậy cần phối hợp với các nước đang phát triển, tranh thủ sự hợp tác của các nước, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Về nội dung điều chỉnh Nghị định về lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng cho rằng, cần bám sát thời hạn do Chính phủ quy định đồng thời cần phản ánh được các vấn đề đã thống nhất tại Hội nghị biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Tài nguyên và Môi trường cảm ơn các thành viên đã nỗ lực tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị và đề nghị các Bộ chuẩn bị báo cáo, cùng các kiến nghị phù hợp để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Monre

Theo Monre