Triển khai nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 22:13, 06/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đề xuất các cơ chế, chính sách điều phối liên ngành
Bộ trưởng giao Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (Cục Biến đổi khí hậu) chủ trì tổ chức nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để trình Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước và các cơ quan liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức điều phối các hoạt động hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia thượng nguồn, các lưu vực sông, đồng bằng lớn trên thế giới, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Văn phòng Ủy ban cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đã đề ra, thảo luận và đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trình Bộ xem xét, báo cáo Chính phủ.
Quy hoạch, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về tài nguyên và môi trường, hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo
Bộ trưởng yêu cầu các Tổng cục, các Cục trực thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của ĐBSCL.
Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát; lượng cát khai thác, vị trí và thời gian khai thác phải dựa vào kết quả phân tích lượng cát về ĐBSCL theo từng năm đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH; nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.
Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL.
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chủ trì cập nhật, trình Bộ định kỳ công bố Kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2100.
Hợp tác quốc tế – Triển khai có hiệu quả, thực chất
Bộ trưởng giao Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng thường trực Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước chủ trì, phối hợp với Cục BĐKH, Cục Quản lý tài nguyên nước, các cơ quan có liên quan triển khai có hiệu quả, thực chất các quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận liên quan đến ứng phó với BĐKH, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược về BĐKH với Hà Lan.
Các Cục: Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới với các nước và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH và tài nguyên nước nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ, đầu tư của các đối tác quốc tế để phát triển bền vững ĐBSCL.
Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước, các cơ quan có liên quan đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công; trình Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12 năm 2018.
Truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH
Bộ trưởng giao Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL và các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Để triển khai các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai thực hiện các nhiệm vụ gửi về Cục Biến đổi khí hậu trước ngày 31 tháng 01 năm 2018 để tổng hợp, xây dựng Kế hoạch trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt.
Theo Monre