Đắk Lắk thu hoạch cà phê gặp khó khăn vì mưa trái mùa
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:41, 11/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay đang vào vụ thu hoạch rộ cà phê nhưng tình trạng mưa trái mùa ở Đắk Lắk đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hái và phơi sấy của nông dân.
Đắk Lắk thu hoạch cà phê gặp khó khăn vì mưa trái mùa
Đang đảo những mẻ cà phê tươi trên lò sấy nghi ngút khói, anh Lê Đức Anh ở xã Cư Đliê Mnông (huyện Cư M’gar) cho hay: “Mấy năm trước thời tiết thuận lợi nên gia đình không phải sấy cà phê, nhưng năm nay mưa dầm kéo dài nên phải đi nhờ lò sấy của người khác để sấy cho cà phê khô, bởi nếu để quả tươi lâu ngày nhân cà phê sẽ bị đen, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá bán”. Gia đình anh Anh có 2 ha cà phê nhưng đến nay mới chỉ thu được 1/3 diện tích. “Mưa không thu hoạch kịp, trái cà phê chín rụng đầy gốc, không nhặt thì tiếc mà nhặt thì tốn công. Năm nay sản lượng cà phê không đạt như những năm trước lại gặp mưa nên người trồng gặp rất nhiều khó khăn”, anh Anh than thở.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có 27 thành viên, với 103 ha cà phê, năm nay thời tiết xấu nên thu hoạch chậm. Chị Triệu Thị Châu, Chủ nhiệm HTX cho hay: May mắn năm ngoái HTX đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để sắm lò sấy cà phê tự động nên vụ thu hoạch năm nay dù trời mưa việc bảo quản cà phê của HTX vẫn đảm bảo. Nếu không có lò sấy phải để cà phê tươi trong kho, hoặc ở sân lâu ngày một số hạt cà phê nhân bị đen, khi bán sẽ bị đại lý trừ hao nhiều, làm giảm thu.
Toàn tỉnh hiện có 203.737 ha cà phê (chiếm 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh), trong đó diện tích cho sản phẩm 191.483 ha, năng suất ổn định khoảng 2,336 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 450 nghìn tấn.
Mưa vào thời điểm này không chỉ gây khó khăn trong việc thu hoạch và bảo quản cà phê của người dân, mà rất có thể ảnh hưởng đến năng suất niên vụ sau. Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, mùa khô ở Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 11-4 đến tháng 4 năm sau. Vào đầu mùa khô thường có những đợt gió lạnh, nhiệt độ xuống thấp nhưng vào giữa và cuối mùa khô, trời nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Đây cũng là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng của cà phê. “Hiện nay, mưa trái mùa khiến nông dân phải kéo dài thời gian thu hoạch dẫn đến cây cà phê không đủ thời gian phân hóa mầm hoa làm giảm khả năng ra hoa, đậu quả”, Tiến sĩ Trương Hồng nói.
Theo ông Đăng Văn Chiền, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, thời tiết diễn biến thất thường là do hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha lạnh nên trong những tháng cuối năm 2017 xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó, có những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta là cơn bão số 12, số 14 xảy ra trong tháng 11. Từ đầu tháng 12, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao đã gây mưa trên diện rộng trên địa bàn phổ biến từ 20-341mm. Dự báo trong mùa khô 2017 – 2018, mưa trái mùa sẽ diễn ra nhiều hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Theo báo Đắk Lắk