Tác phẩm đạt giải nhất cá nhân Cuộc thi Biến đổi khí hậu với Cuộc sống năm 2017
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:25, 25/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Vùng quê nghèo Miền Trung chiều nay trắng xóa mênh mông nước, còn lại gì ngoài tiếng khóc tang thương, xa xa chỉ còn những nóc nhà trơ trọi, những ngọn cây xơ xác tiêu điều. Tài sản trôi lênh đênh giữa dòng nước lũ. Đớn đau, tuyệt vọng!
Đau đớn thay khi chứng kiến người mẹ gầy gò, khuôn mặt hốc hác với những chân chim, quần áo ướt lạnh kêu gào cứu con trong niềm tuyệt vọng khi đứa con bé bỏng của mình đang dần rời xa cuộc sống bị cuốn vào dòng nước đục ngầu đầy cát mà không thể làm gì được. Những cụ già run cầm cập vì lạnh và tím ngắt vì đói đang chờ những gói mì tôm cứu trợ hay những đứa trẻ quần áo rách ướt trong mưa đang cố dỡ những hòn ngói trên mái nhà để tìm một cơ hội sống. Cảnh tượng ấy như một giấc mơ kinh hoàng – một giấc mơ về thảm họa thiên tai mà con người đang phải gánh chịu khi thiên nhiên đang trong cơn giận dữ..
Dải đất hẹp Miền Trung chưa bao giờ hết khổ, mảnh đất “đòn gánh” này luôn chịu nhiều đau thương, thua thiệt nhất giống như cái tên của nó. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nỗi đau đó. Có lẽ, bây giờ nếu có một điều ước tôi chỉ ước được sống như ngày xưa, khi chúng tôi hòa hợp với thiên nhiên, hằng ngày nghe tiếng chim hót, được hít thở những làn khói trong lành, được ngắm nhìn cánh đồng yên bình trong màu xanh của sự tươi tốt, được lắng nghe những tiếng cười đùa nghịch ngợm trong ngôi nhà nhỏ hanh phúc bên gia đình, bên cha mẹ, bên các em của mình.
Những khoảnh khắc tưởng chừng giản đơn ấy đã khiến tôi nhớ lại và thèm khát hơn bao giờ hết trong nỗi đau tột độ khi cũng chính thiên tai đã cướp đi sinh mạng người em gái bé bỏng của mình khi em đang mang bao hoài bão và ước mơ tuổi thanh xuân vẫn còn dang dở.
Những kí ức về em lại khiến tôi thêm đau đớn và đưa những nét bút này trong dòng nước mắt, còn đâu ánh mắt hồn nhiên, còn đâu âm vang tiếng cười thân thuộc khi chị em chúng tôi trêu đùa cùng nhau và còn đâu bữa cơm gia đình đầy đủ, êm ấm, tràn ngập niềm vui dù không có những đĩa thịt hay những món ăn ngon.
Thiên tai – tôi chỉ muốn nhắc tới nó trong niềm căm phẫn tột độ. Bởi lẽ tôi biết rằng không chỉ gia đình tôi hứng chịu những thảm cảnh đó mà còn biêt bao gia đình khác nữa. Đau đớn nhường nào khi người con rời quê hương làm ăn xa, chỉ mong có tiền gửi về trang trải cuộc sống, lo cho gia đình, cho cha mẹ và các em thơ. Rồi một ngày nọ tiếng điện thoại rung lên sau cơn bão tàn ác, một người hàng xóm nức nở trong tiếng nghẹn: “Cháu ơi, về đi, cha mẹ và các em mất hết rồi”! Cảm giác ấy như chết lặng, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu niềm tin để vươn lên hoàn toàn sụp đổ. Chỉ sau một đêm ngắn ngủi thiên tai đã cướp đi mạng sống của tất cả những người thân yêu nhất trong gia đình, thử hỏi có nỗi đau nào, mất mát nào lớn hơn? Đây chính là những sự việc diễn ra ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trong đợt thiên tai khủng khiếp vừa qua.
Thiên tai diễn ra với tần suất ngày càng nhiều và sức tàn phá ngày càng khốc liệt.Trong cả mùa bão năm 2017 có khoảng 13 – 15 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN khoảng 12 cơn). Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mùa mưa bão năm 2017 diễn biến hết sức khó lường, trái qui luật . Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh. Do ảnh hưởng của El Nino, mùa mưa bão năm 2017 đã đến sớm; đặc biệt là tính bất thường, khó dự đoán gia tăng… Từ đầu năm 2017 đến nay, thiệt hại từ thiên tai cũng xấp xỉ 50% của năm 2016. Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng gần 11.000 người.
Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai vừa qua như Yên Bái, nhất là huyện Mù Cang Chải,vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua, tại trung tâm huyện và các xã lân cận huyện này đã xảy ra lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người (23 người bị chết, mất tích) và tài sản ước tính trên 546 tỷ đồng; hay trong tháng 10/2017, trận lũ lịch sử ở Hòa Bình khiến 34 người tử vong và mất tích, thiệt hại 1.630 tỷ đồng. Đây là trận lũ gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử của tỉnh Hòa Bình. Nhìn thảm cảnh ấy không ai không đau xót. Lũ quét vùi lấp đi tất cả. Ông Đinh Công Hương, người nhà nạn nhân đau đơn: “Giờ chẳng còn gì, tất cả mọi thứ mất hết rồi, người chết cũng không có chỗ làm đám tang vì nhà cửa đều đã bị đất, đá vùi lấp”, xa xa chỉ thấy những tấm bạt, những chiếc áo quan được xếp thành hàng ngang để làm lễ khâm liệm cho những nạn nhân xấu số. Nhiều người khóc ngất vì nỗi đau quá lớn khi mất đi những người thân.
Thiên tai đi qua, nước mắt ở lại. Không có từ ngữ nào để lột tả hết những mất mát này. Thiên tai không chỉ gây ra những thảm họa ở các tỉnh miền núi Phía Bắc mà còn gây ra những đau thương không thể bù đắp ở khúc ruột Miền Trung quanh năm khổ cực. Sau cơn bão số 10 vừa qua – cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tổng thiệt hại đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng, số người chết là 26 người, riêng tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại tới 7000 tỉ đồng … cùng với hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, hàng nghìn diện tích lúa và hoa màu mất trắng; đường giao thông hư hỏng, dịch bệnh kéo dài…
Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai ngày càng diễn ra bất thường và trái quy luật. Con người ngày càng thấy rõ những hậu quả khủng khiếp đó. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu. Như vậy, biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai biểu hiện với nhiều hình thái khác nhau, như sạt lở đất, lũ lụt, hạn hán, tính phi quy luật và tần suất của bão…
Trước những diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu, nước ta cũng đã đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm giảm bớt các hiệt hại do thiên tai gây ra. Mới đây đã diễn ra hội thảo “Sạt lở đất – lũ quét và giải pháp phát triển bền vững” vào ngày 14/10/2017 tại Trung Tâm hội nghị quốc tế Hà Nội. Hội thảo đã có sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan cùng nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Đặc biệt hội thảo còn có sự tham dự của Công ty Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Metal đến từ Nhật Bản.
Tại hội thảo, Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Meta cũng sẽ đề xuất một số giải pháp công nghệ cho việc cảnh báo và xử lý sạt trượt như gia cố mái dốc, làm kết cấu tường chắn, hàng rào chống lũ… hiện đang được áp dụng khá thành công tại Nhật Bản. Theo bản thân tôi đánh giá, đó là những giải pháp hiện đại và rất hiệu quả, tuy nhiên liệu áp dụng vào Việt Nam thì có ổn không? Đặc biệt Việt Nam lại là một quốc gia với ¾ diện tích là đồi núi và chi phí để xây dựng các hệ thống kè chắn này cũng rất lớn trong khi nước ta đang là một nước gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và là một nước đang phát triển. Hơn nữa, ở các địa hình miền núi chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn. Như vậy liệu áp dụng phương pháp này vào nước ta có thể triển khai và mang lại hiệu quả cao như Nhật Bản – một cường quốc kinh tế và là một quốc đảo?
Là một sinh viên chuyên ngành Địa lí – Quản lý tài nguyên bản thân tôi nhận thức rõ thực trạng mối quan hệ giữa các thành phần Địa lí và hậu quả khủng khiếp của Biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của con người. Trước tình hình đó tôi có đưa ra một số giải pháp để khắc phục sạt lở đất ở các tỉnh miền núi như sau:
- Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, những nơi có địa chât không ổn định ở các tỉnh miền núi (sử dụng công nghệ Gis – Viễn thám để tiến hành).
- Khi đã tìm được những nơi khoanh vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở vơi các mức độ khác nhau thì tiến hành lập bản đồ sử dụng đất với mục đích bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật. Ví dụ những cánh rừng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất thì cần phải bảo vệ, nghiêm cấm việc chặt phá.
- Sửa bề mặt mái dốc (tức là làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng (trạng thái ổn định) để hạn chế khả năng trượt. Có hai cách thực hiện: Làm nhẹ tải trọng phần trên của mái dốc như hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc.
- Xây dựng hệ thống các rãnh thoát nước ở các độ cao khác nhau. Ðối với một số điểm trượt lớn, phức tạp, việc xây dựng bao gồm rãnh đỉnh, rãnh dọc, bậc nước, máng dốc nước và cống thoát nước cần được kiên cố hóa
- Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở dựa trên cơ sở nghiên cứu về địa chất, địa hình và khí tượng (lượng mưa)…để kịp thời phát hiện, thông báo và có những phương án di dời dân cư tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như trận sạt lở vừa qua.
- Tuyên truyền, thay đổi phong tục xây nhà sát các dãy núi cao, có nguy cơ sạt lở đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có các chính sách định canh định cư cho họ,và lưu ý là khi thực hiện định canh định cư cần gắn liền với nơi sản xuất, gắn liền với kê sinh nhai của họ tránh trường hợp bỏ ra hàng tỉ đồng xây nhà sau đó lại không ở do ảnh hưởng tới kế sinh nhai và nơi sản xuất kinh tế chính.
Đó là một số giải pháp mà theo tôi nghĩ nó sẽ khá hiệu quả đối với việc ứng phó tình hình sạt lở đất ở nước ta hiện nay. Những giải pháp này không tốn quá nhiều chi phí, và cũng khá phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta.
Tôi mong rằng chúng ta sẽ có thật nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Mỗi con người – một hành động – một nhận thức. Trái đất chính là ngôi nhà chung của nhân loại đang từng ngày xây dựng vì vậy hãy bảo vệ nó, hãy đối xử với nó thật nhân văn bằng những hành động nhỏ nhất thì cuộc sông của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn thay vì những thảm cảnh mà chúng ta đang hứng chịu. Hãy đứng lên – làm điều gì đó để bảo vệ Trái đất này trước khi quá muộn.
Ở các tỉnh đồng bằng thì ngập lụt, tất cả chìm trong biển nước; còn ở các tỉnh miền núi thì sạt lở diễn ra nghiêm trọng, vùi lấp nhà cửa,tính mạng của con người. Sức tàn phá của nó thật khủng khiếp.
Tác giả thực hiện:
Họ và tên: Cung Thị Hồng Nhung
Ngày sinh: 17/02/1996
Sinh viên: Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An