Biển xâm thực, người dân Bình Thuận lo âu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:44, 03/01/2018

(Moitruong.net.vn) – Những năm gần đây, cứ đến mùa gió bấc một số khu vực ven biển thành phố Phan Thiết, Bình Định lại bị triều cường, sóng lớn dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Phá hủy nhiều công trình và nhà ở khiến người dân sống trong lo âu.

Tình trạng sạt lở bờ biển đang khiến người dân vô cùng lo lắng

Có mặt tại thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) sau 2 cơn bão nối đuôi nhau vừa qua, chúng tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà không còn nữa, số còn lại thì không nguyên vẹn. Bãi biển ngổn ngang “xác” nhà và vật liệu kè chống xói lở của những hộ dân còn lại khi bị biển “gặm nhấm” gần vào đến móng nhà.

Cả một đoạn bờ biển nhìn đâu cũng thấy xói lở đến ghê người. Rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước tình trạng biển xâm thực vào bờ ngày càng dữ dội.

Ông Trần Phương Thanh (thôn Tiến Đức) cho biết, cách đây 5 năm, biển còn cách nhà ông gần 50m nhưng cứ mỗi đợt triều cường hoặc áp thấp nhiệt đới, biển lại xâm thực sâu vào đất liền. 2 cơn bão vừa qua, nước biển dâng cao đánh mạnh làm sập toàn bộ căn nhà của gia đình tôi và 2 gia đình bên cạnh. Chúng tôi chỉ kịp kêu các con chạy ra khỏi nhà. Giờ, gia đình tôi không còn gì, mất trắng, đang ăn nhờ ở đậu nhà người thân.

Ngoài gia đình ông Thanh còn nhiều gia đình khác có chung cảnh ngộ. Một số gia đình may mắn hơn kịp lấy lại được chút ít tài sản. Ông Nguyễn Phương ở bên cạnh nhà ông Thanh cho biết, tôi chỉ kịp vơ vội chiến tivi và tủ lạnh – tài sản lớn nhất trong nhà. Trong khi chị Lê Thị Ngọ kể: cả đêm canh phòng phập phồng lo sợ không dám ngủ… ban đầu nó sập hai cột nhà, rồi sụp vào phía trong. Khi phát hiện sập cột nhà, gia đình tôi nhanh chóng di dời tài sản ra ngoài… Cuộc sống khổ lắm, mong nhà nước quan tâm giúp đỡ.

Không chỉ ở khu vực Tiến Đức, còn nhiều khu vực khác dọc bờ biển Phan Thiết như Thanh Hải, Hòn Rơm (Mũi Né) – nơi có nhiều khu du lịch cũng trong tình trạng như vậy. Mỗi lần nghe đài báo ngoài biển có bão hay áp thấp nhiệt đới là người dân lại lo ngay ngáy.

Ông Lý Thanh Thi – quản lý khu du lịch Biển Cát ở Hòn Rơm nói, 10 năm làm du lịch ở đây, nhưng chưa năm nào sóng dữ dội như năm nay. Cách đây gần 2 tuần sóng mạnh bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng, phá hủy gần như toàn bộ khu nhà hàng của chúng tôi. Mức độ thiệt hại cũng khoảng gần 200 triệu đồng, hiện chúng tôi đang gia cố sửa chữa lại nhà hàng… Không riêng khu nghỉ dưỡng Biển Cát, khu du lịch Thiên Hà cách đó không xa cũng chịu chung số phận, ông Trần Văn Long – Phó Giám đốc kỹ thuật Thiên Hà cho biết: sóng lớn phá hủy một phần nhà hàng của khu du lịch, ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh, làm đảo lộn việc bố trí sắp xếp phục vụ khách dịp Tết tây. Mong chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng bờ kè.

Sóng lớn cũng đã làm xói lở chân tuyến đường ven biển Mũi Né đi Bàu Trắng. Và làm hư hỏng hệ thống ống nước xả thải gây rò rỉ, bốc mùi hôi thối mặc dù các ngành chức năng đã xử lý tạm thời. Song về lâu dài sẽ không đảm bảo khi nó đã lộ thiên trước những con sóng dữ.

Trước tình trạng biển xâm thực gây thiệt hại, chính quyền đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để hỗ trợ trước mắt cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, rất cần giải pháp căn cơ đối phó nạn xâm thực khi các cơn bão có cường độ ngày càng lớn, xuất hiện ngày càng thường xuyên, với tình trạng biến đổi khí hậu và trái đât nóng lên toàn cầu.

Theo BTO