Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần tập trung toàn lực để xử lý các điểm nóng về môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:54, 24/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Phát biểu tại phiên Thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Quốc hội, cần tập trung toàn tâm, toàn lực để xử lý các điểm nóng nhức nhối về môi trường vì sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững đất nước.
>>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang
Bộ trưởng – ĐBQH khóa XIV Trần Hồng Hà
Đồng tình với Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp sáng 23/10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Đây là năm hết sức đặc biệt của Chính phủ, là năm có những dấu ấn rõ nét của sự sự chuyển biến trong chỉ đạo điều hành nhất là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Làm rõ thêm Báo cáo của Thủ tướng, Bộ trưởng – Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà cho biết trong năm 2017 các chỉ số về tình hình kinh tế – xã hội trong báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ nét việc đổi mới cơ cấu kinh tế thông qua việc: Kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ khai khoáng đã giảm dần; cơ cấu chế tạo điện tử có tỷ trọng lớn tăng lên; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tăng trưởng mạnh…
Bên cạnh vấn đề môi trường trong các dự án được quan tâm hơn qua công tác thanh tra, kiểm tra để đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trong năm 2017 đã bắt đầu ghi nhận một số ngành công nghiệp, công nghệ về môi trường trong công tác xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Qua đó, việc xử lý môi trường đã có những chuyển biến tích cực góp phần làm cho nền kinh tế phát triển bền vững…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (giữa) phát biểu tại phiên Thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 24/10
Về kế hoạch năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ông rất đồng tình với kế hoạch của Chính phủ đề ra. Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh, quyết liệt hoàn thành các mục tiêu đặt ra thì cũng cần tính đến những rủi ro do thiên tai, thời tiết và biến đổi khí hậu gây nên.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc Chính phủ quyết liệt trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính vì người dân và doanh nghiệp, thì các bộ, ngành đã và đang rà soát các bộ thủ tục hành chính. “Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi sắp tới cũng sẽ loại bỏ 30% đến 40% các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Đề cập đến các nhà đầu tư lớn như: Lee & Man Hậu Giang, Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Samsung Việt Nam… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra quan điểm nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề môi trường, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp lớn trong việc đảm bảo môi trường trong sản xuất thì các doanh nghiệp này sẽ có đóng góp rất đáng kể vào ngân sách trong tương lai gần.
Bộ trưởng – ĐBQH Trần Hồng Hà trao đổi với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội sáng 24/10
Bộ trưởng cũng thông tin, trong năm 2018, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết, đi sâu vào cơ chế chính sách, chú ý vào chiều sâu và chất lượng đặc biệt là việc chưa vội vàng để lấy chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đặt lên hàng đầu…
Về chỉ số về độ che phủ rừng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra quan điểm cần phải có đánh giá cụ thể hơn, có số liệu thống kê đảm bảo tính thống nhất hơn, bởi hiện nay độ che phủ của các loại rừng khác nhau, chất lượng các loại rừng khác nhau… đó là vấn đề cần được làm rõ.
Đặc biệt là các chỉ số đối với các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chúng ta cần đưa các chỉ số về bảo vệ môi trường cao hơn nữa. Vì theo Bộ trưởng, hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý về môi trường nhưng chất lượng vẫn cần theo dõi, giám sát. “Đã là khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nếu năm 2018 mà không đảm bảo các chỉ số về bảo vệ môi trường thì tạm thời cần xem xét xử lý…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Băn khoăn đến việc dù Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành được 02 năm, nhưng Chương trình mục tiêu xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng như: Làng nghề, các bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng, các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các khu vực nhiễm dioxin trước đây… vẫn chưa xử lý được dự án nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị đẩy nhanh các chương trình này để các hệ lụy của các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng này gây ra đối với sức khỏe người dân.
Về sự nghiệp môi trường, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2004 đến nay, chúng ta có 1% GDP để chi cho công tác bảo vệ môi trường. Theo Bộ trưởng, trước tiên Nhà nước phải kiểm soát và giám sát về môi trường. Bộ trưởng cho biết, gần đây Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã rất quan tâm đến vấn đề này thông qua việc đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường.
Nhờ vậy, các địa phương trên có thể kiểm soát được các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguồn xử thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm và đặc biệt là các tỉnh, thành này có thể kiểm soát được chất lượng môi trường nói chung.
Còn ở các địa phương khác thì sao? Bộ trưởng cho rằng hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến tăng cường năng lực, chưa quan tâm đến đầu tư cho môi trường.
Các vị Đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong phiên họp sáng 24/10
Cuối phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ cần tăng chi sự nghiệp môi trường lên; Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực quan trắc, giám sát về môi trường đặc biệt là quan trắc môi trường xuyên biên giới, liên tỉnh và giúp cơ quan quản lý môi trường địa phương có đầy đủ năng lực để kiểm soát được vấn đề môi trường của từng địa phương.
“Bên cạnh đó tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét để tính toán đầu tư cho các chương trình mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra như: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu Quốc gia xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng… Chúng ta cần tập trung toàn tâm, toàn lực để xử lý các điểm nóng nhức nhối về môi trường vì sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững đất nước…”
Theo Monre