Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn vào mùa khô
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:21, 05/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so trước đây và có thể kéo dài hơn. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn. Do đó, cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng cần thay đổi.
Công trình cầu – cống Sông Kiên (Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp
Do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình xâm nhập mặn càng trở nên khó lường. Những tháng đầu năm 2018, sông, rạch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất tại địa phương; đồng thời, có thể làm mặn gia tăng sớm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, nhất là cần chủ động quản lý nguồn nước.
Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của Tp. Cần Thơ, ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra” được triển khai từ năm 2012, nhằm tăng cường khả năng chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. Đến nay, tám trạm quan trắc độ mặn tự động của dự án hoạt động tốt, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các sông, kênh, rạch chính.
Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018, với mục tiêu bảo đảm đủ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho bà con ở vùng có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn cho vụ lúa đông xuân 2017 – 2018 và hè thu 2018. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh nạo vét hệ thống kênh mương các cấp, không để mặn xâm nhập lên đồng…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống hạn trong mùa khô năm 2018. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong thâm canh chuỗi sản xuất lúa, tôm. Đồng thời, khuyến cáo bà con không xuống giống vụ đông xuân ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt và không thả tôm giống trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5 dương lịch) để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và độ mặn tăng cao.
Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, phần lớn các cống ven biển Tây từ TP Rạch Giá đến huyện Giang Thành đã đóng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và U Minh Thượng, các địa phương tập trung triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm, nạo vét kênh mương bồi lắng để trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô tới.
Theo ND