Tp. Sóc Trăng xanh – sạch – đẹp nhờ mô hình ủ phân hữu cơ

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:48, 28/10/2017

Lâm Đồng: Xây dựng 1.520 bể chứa thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật

(Moitruong.net.vn) – Mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải, phế phẩm nông nghiệp đã góp phần giảm thiểu tối đa những tác động của con người đến môi trường.

>>>Cách làm hay với bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật

mo hinh u phan huu coChị Lâm Thị Nguyệt Thu ngụ khóm 3, phường 7 (Tp. Sóc Trăng) cẩn thận không làm rơi rớt “chất dưỡng cây tự nhiên” này ra ngoài

Xúc từng len phân từ thùng phuy để bỏ vào xô đem bón cho đám rau quanh nhà, chị Lâm Thị Nguyệt Thu ngụ khóm 3, phường 7 (Tp. Sóc Trăng) cẩn thận không làm rơi rớt “chất dưỡng cây tự nhiên” này ra ngoài. Như để giải thích với khách lạ, chị Thu bộc bạch: “Đợt phân hữu cơ này tôi ủ từ 2 tháng trước, mấy ngày nay mới dùng được để đem bón cho cây trồng của gia đình. Loại phân bón này bón cho rau màu hay cây ăn trái đều tốt, cây đu đủ có hơn 20 trái xanh tốt đằng kia cũng nhờ tôi bón phân này”.

Được triển khai từ năm 2014, Tổ phụ nữ ủ phân Compost ở khóm 3, phường 7 (TP. Sóc Trăng) có 20 thành viên tham gia. Nhờ hiệu quả của việc ủ phân gắn liền với lợi ích trong gia đình nên chị Thu và nhiều chị em phụ nữ khác trong khóm đã duy trì đến tận nay. Theo chị Thu, quy trình ủ phân hết sức đơn giản mà đem lại hiệu quả, chỉ cần trang bị một thùng phy nhựa dung tích hơn 100l, xung quanh thùng có đục lỗ thoát khí, bên dưới có khoét một cánh cửa nhằm tiện lợi để lấy phân khi cần sử dụng. Bằng việc tận dụng các loại rác thải hữu cơ trong gia đình như: Lá cây, cỏ khô, cơm thừa, rau, trái cây hư, đầu cá… trừ lá cây có tinh dầu cho vào thùng phy và đậy kín nắp. Cứ thế khoảng 2-3 tháng, rác thải sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ compost có lợi khi bón cho cây trồng.
Chị Nguyệt Thu với mô hình ủ phân compost.

Thực hiện theo quy trình ủ phân như trên rất đơn giản, sạch sẽ, không gây hôi thối, vừa bảo vệ môi trường vừa có lượng phân rất tốt cho cây trồng. Với loại rác thải là túi nilon, nhựa, kim loại, giấy… nhiều hộ thu gom và bán cho các cơ sở thu mua ve chai. Chị Quách Thanh Hương – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 7 cho biết, thay vì vứt rác bừa bãi thì chị em phụ nữ cũng tận dụng được rác để làm việc hữu ích, mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chị em phụ nữ; đồng thời tiết kiệm chi phí sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây ăn trái hay rau màu của gia đình.

Cùng với mô hình trên, để tận dụng và tái chế phế phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm có ích, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện “Xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ” và được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương như: Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm…

Mô hình ủ phân này có sử dụng nấm Trichoderma, là loại nấm sống chủ yếu trong đất, nấm này lấy dinh dưỡng để phát triển bằng cách phân hủy chất hữu cơ, tiêu diệt nấm gây bệnh. Theo lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), để triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từng hộ dân quy trình ủ phân và các hộ tham gia được hỗ trợ nấm Trichoderma, tấm bạt để thực hiện. Hộ dân cũng đối ứng công lao động, phân ure, thu gom nguyên liệu chủ yếu là bã rơm rạ sau khi trồng nấm. Nhờ thực hiện đúng quy trình nên chỉ sau 15 – 30 ngày túi ủ có thể sử dụng bón cho rau cải. Hầu hết các hộ tham gia mô hình rất nhiệt tình hưởng ứng. Với mô hình này, người dân có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên để bón cho rau màu, nâng cao độ phì nhiêu của đất; đồng thời, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, giảm một phần chi phí trong sản xuất và tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Quá trình thực hiện, các hộ đều nắm được quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và phế phẩm nông nghiệp. Đây cũng là dịp tuyên truyền những tác hại của việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Danh Khanh, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) chia sẻ, trước đây nguồn rơm của gia đình nhiều mà không biết tận dụng, khi mô hình ủ phân hữu cơ được phổ biến đến xã, tôi tận dụng nguồn phế phẩm này để ủ phân bón cho rẫy dưa leo. Chi phí phân bón cũng giảm rất nhiều nhờ có phân hữu cơ vi sinh mà lượng phân hóa học tôi sử dụng ít đi. Bón phân hữu cơ này góp phần làm cho đất trở nên màu mỡ, rau màu cũng xanh tốt hơn.

Phân bón đóng vai trò quan trọng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, tăng độ phì nhiêu của đất và bảo vệ môi trường, ngày càng nhiều hộ dân chọn phân hữu cơ thay vì chỉ sử dụng phân bón hóa học như trước đây. Với những cách ủ phân trên, người dân đã biến rác thải, phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích và góp phần bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống.

Theo STP

Theo STP