Năm 2018, dự báo bão sớm trước 5 ngày
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:51, 14/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Thông tin tại cuộc họp báo quý I/2018, ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, cho biết: “Năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo bão có thay đổi đáng kể”.”Điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo bão từ năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Việc dự báo đã nâng được thời hạn dự báo, cảnh báo bão sớm đến 5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây.
Ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn tại Họp báo quý 1/2018 của Bộ TN&MT
Nhận định xu thế thiên tai mùa mưa, bão, lũ năm 2018
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tại, ENSO được xác định đang ở trạng thái La Nina. Nhận định nhiều khả năng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ các tháng nửa cuối năm 2018 với xác suất trong khoảng từ 55 – 65%. Dự báo có khoảng 12 – 13 cơn bão bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, 5 – 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018. Vào thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng cao bão và ATNĐ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.
Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như trong năm 2017.
Mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trên nhiều sông suối mực nước sẽ xuống thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực này. Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn TBNN và tương đương năm 2016 – 2017.
Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ2 – BĐ3, một số sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ. Mùa lũ ở các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn TBNN. Trên lưu vực sông Mê Công mùa lũ đến sớm hơn so với TBNN, đến cuối tháng 7 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức 2,5 – 3,0m; đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức BĐ2 – BĐ3.
Trong năm 2018, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần của tháng 12. Tại ven biển Nam Trung Bộ (Phú Yên, Phan Thiết) nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 11 và 12. Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ. Trong các tháng cuối năm 2018 khả năng sẽ có sóng lớn 3-4m tại khu vực ven biển các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong năm 2018
Ông Trần Hồng Thái cho biết, trọng tâm trong công tác dự báo phục vụ của Tổng cục Khí tượng thủy văn trong năm 2018 là dự báo, cảnh báo sớm xuất hiện của bão, ATNĐ; mưa lũ trái mùa ở phía Nam và sau đó là mưa lũ tập trung trong các tháng 6 – 7 – 8 ở phía Bắc; ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở Trung Bộ; mưa lũ phức tạp, liên tục trong nửa cuối năm ở Trung Bộ; theo dõi cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống.
Đặc điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, ATNĐ đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1 – 2 ngày. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới – WMO, thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai. Trong đó, chú trọng về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Tập trung nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; miền Trung, Tây Nguyên tăng cường dự báo phục vụ nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão; triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động và thực hiện xã hội hoá; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới nhân dân; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở với quyết tâm hệ thống cảnh báo sớm cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Toàn hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia sẽ triển khai dự báo thời tiết chi tiết cho từng địa điểm thời hạn đến 10 ngày (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện cho 63 điểm đại diện cho đơn vị cấp tỉnh, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh thực hiện cho các điểm đại diện cho đơn vị cấp huyện).
Khắc phục tối đa các hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV đã được phân tích ở trên đồng thời với việc tăng cường trao đổi thống nhất việc chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin dự báo, cảnh báo từ Trung ương đến địa phương.
Theo Monre