Giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:01, 23/04/2018
(Moitruong.net.vn)– Theo dự báo, trong mùa khô năm 2017-2018, khu vực ĐBSCL chịu tác động mạnh của hai chế độ thủy triều khác nhau ở biển Đông và biển Tây. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn vẫn có thể xảy ra gay gắt, cục bộ tại một số địa phương trong vùng.
Tại các tỉnh ĐBSCL, nguồn nước sử dụng đa dạng cho các ngành sản xuất. Nhưng nước sử dụng nhiều nhất vẫn là cho trồng lúa. Diện tích lúa vụ đông xuân cần nước tưới tại tỉnh Long An là 231.782 ha, Tiền Giang 72.880 ha, Bến Tre 15.600 ha, Trà Vinh 55 nghìn ha, Đồng Tháp 206 nghìn ha, Kiên Giang 290.050 ha… Trong khi đó, tại vùng cửa sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến nay, độ mặn đã xuất hiện lớn nhất so cùng kỳ năm 2017 thấp hơn 0,1-5,8g/l; so cùng kỳ năm 2016 thấp hơn 4,6 – 19,5g/l. Vùng ven biển Tây, trên sông Cái Lớn, độ mặn cũng xuất hiện lớn nhất so cùng kỳ năm 2017. Như vậy, chiều sâu xâm nhập mặn với ranh 4g/l lớn nhất từ đầu mùa khô đến nay tại các cửa sông chính vùng đồng bằng sông Cửu Long có phạm vi ảnh hưởng 32 đến 55 km.
Để chủ động phòng, chống thiệt hại do mặn xâm nhập đối với sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần tích trữ nguồn nước ngọt ở mức cao nhất ngay từ khi ngoài sông có xuất hiện nước ngọt và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng, chống hạn – mặn. Ngành nông nghiệp cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn, xa nguồn ngọt hoặc không có công trình ứng phó chống hạn mặn, cần chờ mưa mới xuống giống vụ hè thu. Về lâu dài, các địa phương vùng ĐBSCL cần xây dựng chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt ven biển, trong đó chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt.
Với những giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài, các tỉnh ĐBSCL sẽ dần khắc phục những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Không để lặp lại tình trạng trong mùa khô hạn 2016-2017, khi có 11 trong số 13 tỉnh, thành phố buộc phải công bố tình trạng thiên tai.
Theo Nhân dân