Nghệ An: Nhân rộng mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:01, 09/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, mô hình thùng rác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngay tại chân ruộng hiện đang được triển khai, nhân rộng hiệu quả trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây chính là cơ sở để người dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Nghệ An: Nhân rộng mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Từ khi xã Khai Sơn xây dựng mô hình thùng rác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, sau mỗi lần pha chế thuốc trừ sâu hay diệt cỏ để phun cho lúa, ông Trần Văn Khám ở thôn 1 lại có thói quen thu gom bao bì, hoặc chai lọ bỏ vào thùng đặt ở ngay chân ruộng. Điều đó đem lại hiệu quả rất lớn.
Ông Khám chia sẻ: Gia đình có 3 sào ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, các loại thuốc bảo vệ thực vật được ông sử dụng để phun cho lúa ngay từ khi gieo cấy cho đến khi lúa bắt đầu trổ bông có rất nhiều loại. Bình quân mỗi sào ruộng ít nhất mỗi năm phun hết 200 gam thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông Khám, vỏ thuốc bảo vệ thực vật là rất độc hại, do vậy việc thu gom và xử lý loại rác thải này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân như ông.
Xã Khai Sơn có hơn 110 ha lúa mỗi vụ, nên số lượng thuốc bảo vệ thực vật được dùng để phòng trừ các loại sâu bệnh là rất lớn. Nhiều năm trước đây, hầu hết các hộ dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thường có thói quen xả rác, chai lọ ra ngay đầu nguồn nước tưới, kênh mương, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường trên địa bàn.
Từ năm 2017, Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình thu gom rác thải đồng ruộng. Ban đầu, mô hình được áp dụng với quy mô nhỏ ở một số tuyến đường nội đồng chính. Đến nay tại mỗi cánh đồng có từ 3-5 cái được đặt ở đầu ngã ba, ngã tư các tuyến đường nội đồng và ở đầu những đoạn mương, kênh trên đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom và xử lý.
Bà Thái Thị Tố – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Sơn cho biết: Để mô hình đạt hiệu quả, mỗi tuần, hội nông dân xã đều phân công mỗi chi hội 2 hội viên cùng bà con ở mỗi thôn, xóm kiểm tra, thu gom rác tới các điểm tập trung để đem đi tiêu hủy. Bên cạnh đó, hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới cộng đồng, từng hộ dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người giữ vệ sinh nơi ở cũng như giữ gìn cảnh quan quanh môi trường sống, từ đó tự có ý thức về bảo vệ môi trường.
Không riêng ở xã Khai Sơn, hiện mô hình thùng rác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV được triển khai rộng ở các xã Khai Sơn, Hoa Sơn, Lĩnh Sơn, Tào Sơn, Phúc Sơn, Tường Sơn, Hùng Sơn và Cẩm Sơn với 675 thùng; cùng đó toàn huyện có hơn 7.000 hộ xây dựng hố rác tại gia.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn: Từ mô hình các địa phương đã triển khai thành công, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội triển khai thực hiện đặt thùng rác trên tất cả các cánh đồng, nhằm góp phần hạn chế được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường và an toàn cho người dân khi sản xuất trên đồng ruộng.
Đây chính là cơ sở quan trọng giúp bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Kế Hùng