Nhiệt độ tại Bắc Cực tăng nhanh là mối họa đối với các di chỉ khảo cổ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:35, 29/06/2018

(Moitruong.net.vn) – Hiện tượng nhiệt độ tại Bắc Cực tăng nhanh khiến các nhà khoa học vô cùng lo lắng về hàng nghìn di chỉ khảo cổ ở Bắc Cực. Trước tình hình trên, các nhà khoa học cho rằng bảo tồn là lựa chọn tốt nhất để cứu lấy những di chỉ khảo cổ. Tuy nhiên, phương pháp này lại rất tốn kém.

>>>Trong 26 năm qua Bắc Cực mất đi gần 3.000 tỷ tấn băng

Băng ở Bắc Cực đang tan với tốc độ “chóng mặt” – Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/6 trên tạp chí Antiquity, nhiệt độ tại Bắc Cực hiện nay đã tăng nhanh gấp 2 lần so với vùng nhiệt đới.

Theo đó, các nhà khoa học cảnh báo cần gấp rút bảo tồn hoặc ghi chép lại hàng nghìn di chỉ khảo cổ ở Bắc Cực trước khi chúng bị xóa sổ do Trái Đất ấm lên đẩy nhanh tốc độ tan băng và sự xói mòn các vùng ven biển.

Biến đổi khí hậu tại các vùng cực xảy ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn những nơi khác trên thế giới khiến thêm nhiều di chỉ khảo cổ thất lạc trước khi các nhà khoa học có thời gian hoặc nguồn lực để ghi chép.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những tác động khác của biến đổi khí hậu như sự phát triển của thực vật, mưa bão, cháy rừng, và khách du lịch tới những khu vực tan băng của Bắc Cực, lấy đi trái phép những di chỉ khảo cổ ở ven biển.

Các nhà khoa học cho rằng bảo tồn là lựa chọn tốt nhất để cứu lấy những di chỉ khảo cổ. Tuy nhiên, phương pháp này lại rất tốn kém.

Đối với đa số các khu khảo cổ, các chuyên gia đề xuất tiến hành khai quật và lưu giữ tài liệu với độ phân giải cao, bao gồm thu thập các đồ tạo tác, vẽ bản đồ chính xác vị trí tìm thấy và lập dữ liệu phục vụ các nghiên cứu sau này. Hơn nữa, những khu khảo cổ nằm ở vị trí hẻo lánh với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến cho các nhà khoa học khó tiếp cận.

Thống kê cho thấy ít nhất 180.000 di chỉ khảo cổ trải rộng trên diện tích hơn 12 triệu km2 ở Canada, Nga, Greenland và Alaska, Mỹ.

Điều kiện giá lạnh giúp bảo tồn nhiều đồ làm bằng ngà, nhà gỗ và hài cốt ở trạng thái gần như nguyên vẹn trong 1.000 năm.

Theo TTXVN

Theo TTXVN