Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông được quan trắc đặc biệt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:32, 28/11/2017
(Moitruong.net.vn) – Sáng 28/11, Hội nghị lần thứ 9 Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ – Sông Đáy đã diễn ra tại Nam Định.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì Hội nghị
Lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy chảy qua địa phận của 05 tỉnh, thành phố bao gồm: Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng. Nước sông Nhuệ, sông Đáy là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản đồng thời cũng là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị và khu dân cư, nước thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, bệnh viện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề…
Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 với định hướng đến năm 2020 là: Từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường để đến năm 2020 đưa sông Nhuệ sông Đáy trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Phiên họp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết: Sau 9 năm thực hiện, năm 2017 là năm đánh dấu quá trình triển khai Đề án với Nhiệm kỳ của Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy. “Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá lại kết quả đã đạt được, phân tích những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo”, ông Phạm Đình Nghị nói.
Hiện nay, với sự chung sức phối hợp giữa các Bộ, ngành và 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình, việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả nhất định như: nhận thức của các địa phương về trách nhiệm bảo vệ môi trường trên toàn lưu vực được nâng lên, Đề án tổng thể sông Nhuệ – sông Đáy tại các địa phương đã được triển khai một cách sâu rộng và có hiệu quả; ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực đã được cải thiện; ý thức của người dân từng bước được nâng cao; đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường không ngừng gia tăng; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư và từng bước hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của doanh nghiệp.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị phát biểu
Đồng quan điểm với lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Ở nước ta, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. “Công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông được xem là vấn đề nóng và được du luận quan tâm đặc biệt.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, trong các năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy thực hiện chức năng chỉ đạo, điều phối thông qua việc thảo luận và thống nhất tại các phiên họp toàn thể của Ủy ban. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy cũng đã đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương như: Nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính đặc thù; xây dựng quy định về các ngành nghề cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên lưu vực sông; quy hoạch khu xử lý chất thải, nước thải của vùng; xây dựng Đề án thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải (nước thải) trên toàn lưu vực sông và đề xuất kế hoạch quản lý, xử lý, tổ chức công bố các nguồn thải có tác động lớn đến môi trường nước lưu vực sông theo quy định.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đã được triển khai tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nhận thức của các tỉnh, thành phố về vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường nước nói riêng của toàn lưu vực đã được nâng cao rõ rệt.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện nước các dòng sông. Phần lớn các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình và thấp, chưa tự chủ thu chi ngân sách. Điều đó cho thấy cần tiếp tục có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy.” – Thứ trưởng nói.
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 9 Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ – Sông Đáy
Tại hội thảo, Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ – Sông Đáy ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy trong tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ sông Đáy năm 2017; công tác chỉ đạo điều phối của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ sông Đáy trong năm 2017 dưới sự điều hành của Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ sông Đáy – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ – Sông Đáy cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng về môi trường; đánh giá hiệu quả và hướng dẫn áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp, nhất là về xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt.
Đề nghị các Bộ, ngành của Trung ương quan tâm hướng dẫn hỗ trợ về kinh phí và công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu vực đô thị; hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật đối với công tác quan trắc, giám sát tự động môi trường nước (hệ thống máy móc, công nghệ kết nối, sử dụng, …).
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường các lưu vực sông, có cơ chế chính sách đặc thù cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông, nhất là các sông liên vùng, liên tỉnh.
Theo Monre