Sở Y tế Thanh Hóa tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 21/08/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngày 20/8, lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại 2 địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng sau bão số 4. Theo đó, 2 địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng làxã Thiệu Dương và phường Đông Hải (TP Thanh Hóa).
Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đã trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ
Do ảnh hưởng của bão số 4, TP Thanh Hóa có 10 phường, xã bị ảnh hưởng với 2.851 hộ bị ngập lụt, 1.879 hộ phải di dời, 1.519 giếng nước và công trình cấp nước hộ gia đình, 1.996 công trình vệ sinh hộ gia đình, 601 chuồng gia súc hộ gia đình bị ngập lụt.
Trước, trong và sau mưa bão, Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa đã chủ động trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão, nhất là sau ngập lụt. Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ xuống các phường, xã bị ngập lụt, phối hợp với các trạm y tế xử lý vệ sinh môi trường, tổ chức phân công trực 24/24h; cấp hóa chất, vật tư trước, trong và sau bão số 4 gồm: 11 cơ số thuốc, 200 kg CloraminB, 10 chiếc áo phao.
Với tinh thần nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, đến thời điểm này đã có 662 giếng nước và công trình cấp nước hộ gia đình, 800 công trình vệ sinh hộ gia đình, 238 chuồng gia súc hộ gia đình đã được xử lý; các bệnh thường gặp sau bão lụt (bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt, bệnh ngoài da) đã có bệnh nhân mắc (6 ca bệnh về đường tiêu hóa, 15 ca bệnh về mắt, 36 ca bệnh ngoài da) nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa cũng đã đề xuất với tỉnh hỗ trợ thêm các cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, vật tư, thuốc men phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
Qua kiểm tra thực tế, ở các địa bàn thấp, trũng bị ngập lụt nghiêm trọng, sau khi nước rút đã để lại một lượng bùn, rác thải, xác động vật gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để khắc phục hậu quả và chủ động phòng chống dịch bệnh, đoàn công tác đã kiểm tra và chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa, Trạm Y tế xã Thiệu Dương và phường Đông Hải dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác động vật; cử cán bộ bám sát cơ sở cùng với Trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp dễ bùng phát như: đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa… từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Linh Lan (T/h)