Chiều nay, siêu bão Mangkhut tiến vào Biển Đông; Quảng Ninh, Hải Phòng ra công điện khẩn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:30, 15/09/2018

(Moitruong.net.vn) – Theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Ương, sáng sớm nay (15/09), siêu bão MANGKHUT đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippin). Sau khi họp trực tuyến với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ NN&PTNT cùng 27 tỉnh thành, tỉnh Quảng Ninh đã ra công điện khẩn ứng phó với siêu bão có nguy cơ đổ bộ.

Bão Mangkhut khiến tàn phá dữ dội, gây mưa lớn và gió giật mạnh ở Philippines

Dự báo thời tiết ngày 15/9: Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nắng, đêm có mưa rào

Siêu bão Mangkhut đang tiến vào Biển Đông và có nguy cơ đổ bộ vào đất liền thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Hồi 04h ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều nay, siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký ban hành công điện khẩn số 16/CĐ-UBND về việc chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut gửi Thủ trưởng các sở ban ngành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai ngay công tác chỉ đạo phòng chống siêu bão Mangkhut theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp trực tuyến vào 16h ngày 14/9.

Các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động có phương án ứng phó và tổ chức triển khai ngay việc phòng chống bão Mangkhut trên địa bàn và lĩnh vực phân công đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, khi có tình huống xảy ra phải báo kịp thời về Tỉnh theo yêu cầu.

Đối với các khu vực trên biển, đảo và ven bờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thường xuyên cập nhập thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh thoát hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; Tiến hành rà soát lại tất cả các tàu thuyền còn hoạt động trên biển để yêu cầu về nơi tránh trú an toàn, tổ chức neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển.

Hải Phòng: Sẵn sàng phương án di chuyển 17.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Cũng tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, đến nay công tác chuẩn bị các điều kiện nhân lực, vật tư, trang thiết bị ứng phó với siêu bão Mangkhut được địa phương chủ động triển khai tới các sở, ngành, địa phương.

Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, chỉ đạo công tác phòng, chống bão; UBND thành phố đã duyệt các kịch bản chống bão cụ thể.

Theo đó, từ ngày 13/9, các địa phương di chuyển hơn 100 khách du lịch về nơii an toàn, phối hợp kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Thành phố cũng sẵn sàng phương án di chuyển 17.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; phương án bảo vệ 34.000 ha lúa, hệ thống đê điều, cầu cống, công trình hạ tầng, công cộng.

Chủ tịch UBND thành phố Hải phòng yêu cầu tạm dừng các cuộc họp từ ngày 16-17/9 để tập trung công tác phòng, chống bão. công cộng; thực hiện kiểm tra công tác phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ” tại các xã, các phường.

Quỳnh Dao (T/h)

Quỳnh Dao (T/h)