Hoàn thiện thể chế tạo đột phá trong quản lý

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:15, 01/01/2018

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Công tác bảo vệ môi trường bước đầu đạt được một số kỳ vọng của người dân

(Moitruong.net.vn) – Năm 2017, triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2017; Bộ xác định lấy tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững làm trọng tâm hành động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2017

Giải quyết những điểm nghẽn về chính sách

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ, Bộ TN&MT đã triển khai có hiệu quả 8 nhiệm vụ, giải pháp then chốt của ngành là: Rà soát, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong toàn ngành, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tái cơ cấu nguồn lực đầu tư; chủ động hướng về địa phương cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; kiện toàn tổ chức, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm cá nhân; tăng cường cơ chế phối hợp; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm và nguồn lực cho công tác quản lý TN&MT ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, năm 2017, Bộ TN&MT đã triển khai tốt việc tổng kết, đánh giá, theo dõi tình hình thực thi chính sách pháp luật để tiếp tục hoàn thiện một số chủ trương, chính sách, pháp luật về TN&MT, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, điều kiện thực tiễn, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực về tài nguyên, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ đã rút ngắn thời gian thực hiện từ 1/3 đến 1/2 đối với một số thủ tục về đất đai; công bố công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; nghiên cứu ban hành chỉ số đánh giá, tiếp nhận phản hồi để đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính của Bộ.

Chuyển biến rõ nét trên từng lĩnh vực cụ thể

Hiệu quả từ công tác chỉ đạo điều hành đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong thực tiễn công tác quản lý TN&MT.

Trong lĩnh vực đất đai, đã cơ bản hoàn thành việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 – 2020 cấp tỉnh; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận (tỷ lệ hoàn thành tăng từ 94,8% năm 2016 lên 96,6% năm 2017); tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí đất đã từng bước được giải quyết. Việc sắp xếp đất đai của các nông lâm trường có sự chuyển biến; nguồn lực về đất đai được phát huy cho phát triển kinh tế, các vướng mắc trong chính sách pháp luật về đất đai cơ bản được tháo gỡ được người dân, doanh nghiệp, địa phương cơ sở đánh giá cao.

Nguồn tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn và từng bước tiếp cận cơ chế thị trường. Quy trình vận hành liên hồ chứa được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. Bộ đã kịp thời tham mưu các đối sách trong hợp tác chia sẻ nguồn nước liên quốc gia cũng như giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo nhu cầu nước cho sinh hoạt của nhân dân.

Tài nguyên khoáng sản được quản lý minh bạch, nguồn thu từ khoáng sản đã đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Tài nguyên biển và hải đảo được điều tra khảo sát để quy hoạch sử dụng hợp lý cho phát triển.

Các giải pháp về bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ; nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến rõ nét, cả đối với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao. Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó với tác động nhanh khó lường của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và đang triển khai nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Thực hiện các đột phá chiến lược trong năm 2018

Năm 2018, Chính phủ quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Để cùng với Chính phủ đạt được mục tiêu đó, ngành TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững; tổ chức tốt việc thực thi; từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Theo đó, tiến hành phân khai, giao và triển khai kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 ngay sau khi có Quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước năm 2018 và Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 để các đơn vị triển khai các nhiệm vụ này từ những ngày đầu năm. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước; định kỳ kiểm điểm đánh giá tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ để có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tạo bước đột phá về thể chế, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); chuẩn bị sửa đổi Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung hoàn thành việc tổng kết và đề xuất ban hành Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược khoáng sản Việt Nam.

Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính liên kết, liên vùng, đồng bộ tích hợp với vấn đề BĐKH để phát huy được nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế – xã hội. Triển khai có hiệu quả các Chiến lược phát triển khác thuộc lĩnh vực TN&MT.

Kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn cải cách TTHC; thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với tất các các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ của đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình quản lý hiện nay sang mô hình phục vụ người dân, doanh nghiệp, kiến tạo cho phát triển. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tương tác giữa Bộ với người dân, doanh nghiệp; thiết lập cơ chế để người dân đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ công.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về TN&MT tập trung vào những vấn đề bức xúc như: quản lý, sử dụng đất 19 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án BOT, BT; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản; việc chấp hành quy định trong thực hiện vận hành điều tiết của các hồ chứa, chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng nước mặt đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đã báo cáo và hứa trước Quốc hội, cử tri để xử lý các tồn tại, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực tiễn.

Tiếp tục hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về TN&MT.

Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành.

Tổ chức thực hiện tốt các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức trách nhiệm của từng người dân, tổ chức tạo sự chuyển biến trong toàn xã hội trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Monre

Theo Monre