Chủ động ứng phó với lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:14, 27/09/2018

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh. Vùng đầu nguồn trên báo động (BĐ) 2, tại các trạm hạ lưu ở mức BĐ2-BĐ3. Lũ chính vụ dự báo từ ngày 27-9 đến 5-10, mực nước trên BĐ 3 từ 0,1 – 0,3 m (Tân Châu 4,6 – 4,8 m; Châu Đốc 4,1 – 4,3 m).

(Moitruong.net.vn) – Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh vùng đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang cần chủ động đề phòng những diễn biến phức tạp có thể xảy ra.

>>> OGCI chống biến đổi khí hậu

>>>Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, do có lũ lớn nên vụ lúa thu đông (lúa vụ 3), ĐBSCL chỉ xuống giống 535.600 ha (thấp hơn khoảng 200.000 ha so với kế hoạch). Diện tích lúa thu đông sản xuất trong vùng có bờ bao, đê bao có thể bị ảnh hưởng của lũ chính vụ là 165.200 ha. Trong đó diện tích lúa có nguy cơ bị tràn là 105.296 ha; lúa có nguy cơ bị mất an toàn là 59.900 ha.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Diện tích lúa bị lũ chính vụ uy hiếp tập trung ở 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa bị lũ gây thiệt hại lớn nhất: lúa thu đông trong vùng có bờ bao, đê bao có thể bị ảnh hưởng là 74.145 ha, trong đó có nguy cơ bị lũ tràn là 51.435 ha; lúa có nguy cơ bị mất an toàn là 26.705 ha.

Đến nay đã có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lũ và triều cường gây ra. Tại Kiên Giang hơn 2.200 ha lúa bị ngập lũ. Trong đó, huyện Giang Thành có 300 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Huyện Hòn Đất còn hơn 12.400 ha chưa có đê bao bảo vệ có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang huy động nhiều nguồn lực để gia cố đê bao, giúp nông dân thu hoạch lúa chạy lũ ở vùng xung yếu.

Sáng nay 27-9, tại Cần Thơ nước lũ kết hợp triều cường tiếp tục gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường nội ô, làm xáo trộn sinh hoạt của nhiều người dân.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đề phòng lũ lớn có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, các Bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

2. Các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ bao gồm phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu đối với các khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng; triển khai phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư và sản xuất khi vận hành đập tràn Trà Sư và Tha La.

3. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ; các khu vực ngập sâu, dòng chảy siết có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án di dời dân vào các khu vực cụm tuyến dân cư tập trung khi có lũ lên cao.

4. Tổ chức tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, nhất là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn.

5. Chủ động thu hoạch sớm diện tích lùa Hè Thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống lũ,chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các cây trồng khác. Chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản.

6. Chỉ đạo việc kiểm tra thường xuyên những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.

7. Tổ chức,chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

8. Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN sẵn sàng lên kế hoạch điều động các lực lượng hỗ trợ các địa phương trong tình huống lũ lớn.

9. Đài Truyềnhình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của lũ và phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

10. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)