Xây dựng nông thôn mới thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:01, 12/10/2018
MOITRUONG.NET.VN – Sáng 11/10, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội thảo Xây dựng nông thôn mới bền vững nhằm từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng, chống thiên tai ở khu vực trung du, miền núi phía bắc.
>>>Cà Mau: Khắc phục sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu
>>>Người phương Tây cần giảm 90% lượng thịt hàng ngày để bảo vệ Trái Đất
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Hội nghị do Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Văn phòng Điều phối nông thôn mới phối hợp Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc tổ chức. Tham dự có 14 tỉnh miền núi phía Bắc, các Cục, Vụ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng nhiều tổ chức quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương phát biểu đề dẫn, đặt ra nhiều vấn đề như sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam mỗi năm phải hứng chịu hơn 10 cơn bão đã tàn phá sản xuất nông nghiệp và nông thôn rất nặng nề. Hạn hán kéo dài, làm giảm 20-30% năng suất cây trồng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.
Từ đó đặt ra việc xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai (PCTT) trong giai đoạn trước mắt và lâu dài cần tập trung vào một số việc làm cụ thể: Quy hoạch NTM phải tính đến nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT; Rà soát và tổ chức tốt nội dung đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và quy hoạch về PCTT tại chỗ; Lồng ghép các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT vào các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng NTM; Xây dựng và nhân rộng các mô hình làng, xã thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT; Thực hành các mô hình SX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT; Phát triển dịch vụ thời tiết, khí hậu cho nông nghiệp; Nâng cao năng lực của người dân gắn với nhận thức và hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT trong xây dựng NTM; Chú trọng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn nhưng vẫn giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống…
Biến đối khí hậu tác động rất lớn tới SX nông nghiệp và nông thôn. Một số giải pháp PCTT được nêu ra là rà soát, điều chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng với yêu cầu thực tiễn; Kiện toàn, nâng tầm hoạt động của BCĐTƯ về PCTT, BCĐ PCTT-TKCN các cấp, tăng cường trách nhiệm cá nhân thành viên BCĐ; Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng; Đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo PCTT…
Trong 8 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.
Tính đến tháng 9/2018, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; 55 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số xã dưới 5 tiêu chí là 80 xã (0,9%); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 14,33 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tính toán, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Nhiều đợt thiên tai dị thường xảy ra liên tục trên khắp các vùng, miền trong cả nước, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu tới môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (năm 2017, 2018), nhiều đợt thiên tai dị thường xảy ra liên tục trên khắp các vùng, miền trong cả nước.
Trong 20 năm qua, cả nước đã hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần) đã gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng tác động xấu tới môi trường sống, SX, kinh doanh của người dân nhất là khu vực nông thôn, nông nghiệp. Số lượng người chết và mất tích hàng năm do thiên tai trên 300 người; Thiệt hại vật chất khoảng 1- 1,5% GDP. Cụ thể, năm 2016 thiệt hại kinh tế do thiên tai gần 40.000 tỷ, tương đương 1,77 tỷ USD, 11 tháng đầu năm 2017, thiệt hại gần 60.000 tỷ, tương đương 2,64 tỷ USD.
Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2017, thiên tai gây thiệt hại hơn 59.300 tỷ đồng, rất nhiều nhà cửa, cầu đường, công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp bị tàn phá, ảnh hưởng tới lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại nhiều địa phương.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương vùng núi phía Bắc gồm Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… đã đưa ra ý kiến, giải pháp như trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là cần nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; rà soát, bổ sung các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kỹ thuật trong xây dựng và phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hướng dẫn và đẩy mạnh lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động cụ thể của ngành…
Các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã thảo luận, đưa ra các ý kiến tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; rủi ro thiên tai tại các địa phương và các giải pháp phòng, chống hiệu quả; những giải pháp trọng tâm để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tác động của thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai gắn với xây dựng NTM. Giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề xuất được các giải pháp tổng thể, bài bản, qua đó từng bước phòng, chống thiên tai ngay từ cộng đồng.
Đặc biệt, cần tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân về các hoạt động thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong đó ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động liên kết vùng, các lĩnh vực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng sinh thái ven sông, ven biển, lưu vực và các vùng sinh thái tiếp giáp.
Thông qua các ý kiến góp ý tại hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng như các mô hình được thí điểm sắp tới đây, sẽ giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề xuất được các giải pháp tổng thể, bài bản hơn, qua đó từng bước phòng chống thiên tai ngay từ cộng đồng.
Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước hoàn chỉnh các văn bản, tài liệu hướng dẫn để không chỉ phục vụ chương trình nông thôn mới giai đoạn từ nay đến 2020 bền vững hơn, mà còn xác định rõ định hướng chương trình từ sau năm 2020 trên cơ sở khẳng định được kết quả bền vững từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Ngân (t/h)