Giảm thiểu thiên tai bằng cách tăng cường truyền thông
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:30, 13/10/2018
MOITRUONG.NET.VN – Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, công tác thông tin, tuyên truyền đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức – từ ứng phó sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, sự phối hợp hành động của chính quyền các cấp và nhân dân.
>>>Nguy cơ động đất – sóng thần tái diễn ở Đông Nam Á
>>>Việt Nam thiệt hại hơn 12.356 tỷ đồng do thiên tai
Ảnh minh họa
Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR) cho biết, thiệt hại kinh tế từ những thảm họa liên quan đến khí hậu giai đoạn 1998-2017 chạm mức 2.250 tỷ USD, tăng hơn 250% so với giai đoạn 20 năm trước đó. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam… là các quốc gia hứng chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất do thiên tai.
Chính vì vậy, năm 2009, Đại hội đồng LHQ quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai, cũng như khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn.
Thiên tai trên phạm vi toàn cầu ngày càng gia tăng và là mối đe dọa lớn của nhân loại trong thế kỷ 21. Các nước trên thế giới và trong khu vực liên tục phải đối mặt thiên tai lớn, như siêu bão Haiyan ở Phi-li-pin đã làm hơn 6.000 người chết, gần 1.800 người mất tích, hơn 28.600 người bị thương; lũ đặc biệt lớn năm 2011 tại Thái-lan đã làm 747 người chết và mất tích; động đất 7,1 độ rích-te tại Mê-hi-cô, Trung Quốc và gần đây nhất là thảm họa kép sóng thần, động đất ở In-đô-nê-xi-a làm 2.045 người chết; 671 người mất tích (theo thống kê của AHA Centre tính đến 17 giờ ngày 10-10-2018).
Theo giới chuyên gia, bên cạnh yếu tố địa lý của khu vực chịu tác động và mức độ thiên tai thì một nguyên nhân khác khiến cho hậu quả của sóng thần thêm nặng nề, chính là hoạt động thiếu hiệu quả trong hệ thống cảnh báo của In-đô-nê-xi-a, do dỡ bỏ cảnh báo sóng thần 34 phút sau khi ban bố. Sự chủ quan của người dân khi động đất xảy ra cũng khiến thiệt hại tăng cao. Ðây là một bài học đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việc lồng ghép chương trình, chủ động ứng phó thiên tai trở thành một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng của người dân, bảo vệ thành quả phát triển KT-XH của đất nước.
Mộc Miên (T/h)