Nghĩa địa xác ướp hàng trăm con chim cánh cụt tại Nam Cực vì biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:30, 17/10/2018
MOITRUONG.NET.VN – Trong một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 8/2018, các nhà khoa học đã xác nhận rằng ở phía Đông Nam Cực có một “nghĩa địa” cổ đại khổng lồ từ hàng tẳm năm trước và nó tiết lộ khá nhiều về kịch bản biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong tương lai.
>>>Phát động cuộc thi “Khoảng khắc báo chí 2018”
>>>Dự báo: Mùa Đông năm 2018 sẽ lạnh nhất trong 5 năm trở lại đây
Ảnh minh họa
Bên trong đó là xác ướp của hàng trăm con chim cánh cụt Adélie, đã sống tại Nam Cực trong hơn 3.900 năm, nằm sâu dưới vài lớp đất. Qua xét nghiệm phóng xạ carbon, các chuyên gia nhận thấy những con chim xấu số chủ yếu là chim non.
Liguang Sun, tác giả nghiên cứu đến từ Viện môi trường vùng Cực, thuộc Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết các xác ướp có niên đại trong vòng 1000 năm trở lại đây. Điều đáng chú ý nhất là chúng chủ yếu chết vì 2 sự kiện khí hậu cực đoan. Một diễn ra vào thời điểm 750 năm trước, và một là từ 200 năm trước.
Ở cả hai sự kiện, Nam Cực đã trải qua những đợt mưa tuyết kéo dài đến hàng thập kỷ, dẫn đến lũ lụt, xói mòn và tàn phá khu vực làm tổ ưa thích của chim cánh cụt. Và nay, các chuyên gia xác nhận rằng những sự kiện như vậy hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra với tần suất thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, họ còn tìm ra bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về luồng gió lưu thông tại Nam Cực. Đó là hơi ẩm từ biển phía Nam đã theo gió thổi vào Đông Nam Cực – nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt của chúng. Khi hơi ẩm làm tăng lượng mưa, khiến nhiệt độ giảm xuống. Chim non thì không đủ lông cánh để chịu đựng nên ốm yếu dần, thân nhiệt giảm. Mặt khác, băng tuyết cũng khiến chim trưởng thành khó tìm được nơi phù hợp để làm tổ và hệ quả là nguyên một thế hệ chim cánh cụt hàng trăm con đã không thể sống sót.
Vấn đề nằm ở chỗ do hậu quả của biến đổi khí hậu, mà rủi ro xuất hiện hơi ẩm từ biển phía Nam đã theo gió thổi vào Nam Cực đang ngày càng tăng lên. Hiện tại, khu vực bán đảo đang có khoảng 45.000 cặp chim sinh sống, tạo ra một vuông quốc cánh cụt khổng lồ. Nếu điều này tiếp tục xảy ra, e rằng sẽ có thảm họa.
“Theo xu hướng khí hậu gần đây tại Nam Cực, rủi ro xuất hiện sự kiện chim cánh cụt chết hàng loạt có thể sẽ ngày càng tăng lên.” – Liguang Sun thông tin.
Một số sự kiện tương tự đã xảy ra trong một vài năm gần đây. Năm 2013 và 2017, những đợt mưa và bão tuyết kéo dài đã khiến hàng loạt chim non bị thiệt mạng. Như trong năm 2017, chỉ có 2 trong số 40.000 cánh cụt non còn sống.
Phi Hồng (t/h)