Indonesia: Xây dựng một thành phố mới thay thế thành phố Palu sau thảm họa động đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:00, 16/10/2018
MOITRUONG.NET.VN – Theo các chuyên gia, Indonesia sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để ổn định lại cuộc sống của người dân ở nơi xảy ra thảm họa động đất sóng thần.
>>>Đông New Caledonia: Liên tiếp hai trận động đất mạnh 6.8 và 6.5 độ cách nhau 30 phút
>>>Pháp: Lũ lụt bất ngờ khiến ít nhất 10 người thiệt mạng
Thị trấn Donggala hôm 2/10 sau thảm họa động đất, sóng thần. Ảnh: Reuters.
Ngày 15/10 vừa qua, tại cuộc họp nội các hẹp do Tổng thống Joko Widodo, Chính phủ Indonesia có kế hoạch xây dựng một thành phố mới thay thế thành phố Palu ở tỉnh Trung Sulawesi, nơi vừa bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải đi sơ tán.
Cụ thể, Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia, Basuki Hadimuljono, cho biết, sau 3 thảm họa động đất, sóng thần và đất hóa lỏng, không thể xây dựng lại thành phố Palu trên nền cũ. Thành phố này đã bị phá hủy và biến đổi hoàn toàn, vì vậy cần phải xây dựng một thành phố mới.
Kế hoạch này sẽ do Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) phụ trách phối hợp với Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) cùng các nhà địa chất và một số bộ, ngành liên quan thực hiện.
Có 3 vị trí đang được xem xét để xây dựng thành phố mới, gồm Duyu, Pondok và Pembewe. Các địa điểm này sẽ được các chuyên gia khảo sát, nghiên cứu các điều kiện liên quan, trong đó có tính đến điều kiện địa chất.
Kế hoạch tổng thể sẽ được hoàn thành trong thời gian sớm nhất để có thể được triển khai xây dựng vào năm 2019. Vì không thể xây dựng lại trên cùng một vị trí của thành phố trước đây nên các nhà trú ẩn tạm thời sẽ được chuẩn bị cho người dân trong khi chờ thành phố mới được hoàn thành.
Bộ trưởng Basuki khẳng định, trọng tâm chính hiện nay là hoàn thành kế hoạch tổng thể, xây dựng các nơi trú ẩn tạm thời và dọn dẹp thành phố. Ông cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch trong vòng hai tuần tới.
Khoảng 1.200 nhà tạm trú sẽ được thiết lập, tại mỗi nhà sẽ có 10 gia đình sinh sống. Các cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện và các trường đại học cũng sẽ được hoàn thành trong vòng 2 năm tới.
Tổng chi phí cần thiết để xây dựng thành phố mới chưa được chính thức công bố nhưng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở ước tính sẽ lên tới khoảng 4.000 tỷ Rupiah (tương đương gần 300 tỷ USD).
Hoàng Linh (T/h)