“Thích nghi” là biện pháp cấp bách để ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:29, 29/10/2018
Hạn hán – xâm nhập mặn đang làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân đã đặt ra vấn đề phải có những giải pháp cấp bách lẫn lâu dài để ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những giải pháp cấp bách đó là “thích nghi” để ứng phó.
>>>Miền Bắc đồng loạt tăng nhiệt
>>>Ngày hội môi trường đổi chất thải rắn lấy quà tại Kiên Giang
Ảnh minh họa.
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Hạn hán – xâm nhập mặn đang làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân đã đặt ra vấn đề phải có những giải pháp cấp bách lẫn lâu dài để ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những giải pháp cấp bách đó là “thích nghi” để ứng phó.
Thích nghi là hoạt động tự động hay có kế hoạch để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đạt hiệu quả cao nhất. Đó là một trong những khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu do quá trình công nghiệp phát triển của con người.
Mặt khác làm giảm khí nhà kính là làm giảm sự gia tăng của biến đổi khí hậu. Thích nghi là đánh giá khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, không thể làm tạm thời cho hôm nay, ngày mai mà phải làm thường xuyên, liên tục và mãi mãi để giảm thiểu sự biến đổi của khí hậu.
Về một số chiến lược thích nghi
– Thích nghi trước mắt:
+Bảo hiểm nông nghiệp để ứng phó với dao động thời tiết, khí hậu và thiên tai;
+ Đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thay đổi cây trồng thông qua yêu cầu của cây đối với mùa sinh trưởng và chế độ canh tác;
+ Thay đổi cường độ sản xuất;
+ Tăng cường chất khoáng và giám sát sâu bệnh;
+ Thay đổi biện pháp canh tác và các hệ thống nông nghiệp
+ Di chuyển tạm thời.
– Thích nghi lâu dài:
+ Phát triển hiện đại hoá và công nghệ cao;
+ Thay đổi hệ thống cây trồng và xen canh;
+ Nâng cao quản lý nguồn nước;
+ Thực hiện dịch chuyển lao động.
– Kết hợp trước mắt và lâu dài:
+ Đầu tư và tích luỹ vốn;
+ Thay đổi sơ đồ phát triển giá của thị trường và các thay đổi khác;
+ Thích nghi bằng công nghệ mới;
+ Mở rộng thương mại, trao đổi kinh tế thích nghi với khí hậu;
+ Phục vụ chuyển giao;
+ Đa dạng nghề và phương thức lao động;
+ Kiểm soát số liệu khí hậu;
+ Tổ chức các cơ quan quy hoạch và thực hiện
Về kỹ thuật đối với sự thích nghi
– Chuyển đổi mùa và thời vụ đối với những cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, đậu tương, lạc và những cây rau màu khác, nên khuyến cáo làm nhiều vụ trong năm;
– Đa dạng mùa vụ và giống: đối với các cây trồng chính và bố trí phù hợp với khí hậu đối với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của chúng;
– Chọn tạo những giống cây trồng mới: trên cơ sở lai tạo cây trồng trong giới hạn cho phép, tiếp tục chọn tạo những giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai gia tăng;
– Nguồn nước và hệ thống tưới: Thuỷ nông có ý nghĩa với cây trồng cạn nhưng hệ thống tưới phụ thuộc vào nguồn nước. Biến đổi khí hậu và thiên tai có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước bởi vậy hệ thống tưới phải được tính toán cẩn thận và đáp ứng được lượng nước tối ưu cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng;
– Đầu tư và quản lý điều hành: thêm phân đạm và các loại phân hữu cơ khác là cần thiết nhưng lại dẫn đến hiệu ứng CO2. Bởi vậy quản lý, điều hành và điều tiết phân bón cho SXNN là cần thiết để hạn chế nguồn thải CO2;
– Canh tác: canh tác đúng kỹ thuật sẽ giảm thiểu được khí CO2, tăng nguồn hữu cơ cho đất, tránh được sự xói mòn, làm giảm sự mất mát Nitơ trong đất;
– Nâng cao dự báo khí hậu hạn ngắn và hạn dài đặc biệt là dự báo các hiện tượng khí hậu cực đoan như ENSO để giảm thiểu sự mất mát kinh tế do biến đổi khí hậu;
– Áp dung dự báo khí hậu và dự báo ENSO để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ cho phù hợp với quy luật diễn biến của thời tiết, khí hậu và thiên tai đối với từng vùng.
Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050
– Vùng núi và Trung du Bắc Bộ:
Mùa sinh trưởng sẽ dài hơn, rất thích nghi đối với lúa, nhiệt độ thấp đối với lúa sẽ giảm dần. Sự phụ thuộc của cây lúa cũng như các cây trồng khác vào điều kiện mưa nhiều hơn là điều kiện nhiệt. Cho nên điều quan trọng hơn cả là nhiệm vụ quản lý nước. Khả năng phát triển cây thuốc và cây á nhiệt đới sẽ giảm đi và phải dịch chuyển lên các đai cao hơn hiện nay chúng đang sống. Ngược lại số lượng cây nhiệt đới sẽ giảm dần được hình thành và phát triển (do nhiệt độ tối thấp tuyệt đối có xu thế tăng lên rõ rệt).
– Đồng bằng sông Hồng:
Vai trò nhiệt độ sẽ là thứ yếu so với lượng mưa. Nhờ có sự giảm dần của số ngày có nhiệt độ thấp nên vụ xuân sẽ đến sớm hơn bây giờ, vụ xuân và vụ mùa sẽ là vụ chủ chốt và được mở rộng hơn. Nhờ có sự biến đổi trong mùa mưa nên tần suất hạn trong mùa hè và lụt trong mùa thu sẽ tăng lên. Lượng bốc hơi trong phương trình cán cân nước sẽ tăng, vấn đề quản lý nước trở nên quan trọng. Một số cây nguyên chủng trong vĩ độ cao sẽ mất dần đi (các cây rau màu vụ đông có nguồn gốc ôn đới và á đới) sẽ được thay thế bởi một loạt các cây trồng nhiệt đới điển hình khác.
– Vùng ven biển Bắc Trung Bộ:
Nhiệt độ cực đoan có hại với vụ đông xuân sẽ giảm dần. Hạn hán ảnh hưởng đến canh tác lúa vụ đông sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng. Tác động của bão, mưa lớn đến vụ lúa mùa trỗ bông sẽ mạnh hơn bây giờ. Tần suất xuất hiện gió tây khô nóng trong vụ mùa sẽ tiếp tục phát triển ở một số địa phương. Đặt vấn đề quản lý nước là cần thiết cho vùng này.
– Vùng Nam Trung Bộ:
Tác động của khí hậu đến sản xuất nông nghiệp sẽ không có dấu hiệu biến đổi so với hiện tại. Chỉ có các tỉnh Đông nam của vùng tần suất hạn sẽ tăng lên và như vậy kế hoạch quản lý nước sẽ phải được đề cao hơn hiện tại.
– Vùng Tây Nguyên:
Sản xuất cà phê, cao su, ca cao… và các cây công nghiệp nhiệt đới điển hình khác sẽ không bị giới hạn do nhiệt độ thấp. Hạn hán, mùa khô sẽ khắc nghiệt hơn bây giờ nên vấn đề quản lý nước sẽ là nhiệm vụ hàng đầu.
– Vùng đồng bằng sông Mê Kông:
Nhìn chung tình huống sản xuất nông nghiệp (SXNN) sẽ không thay đổi so với hiện tại. Chỉ cần chú ý đến tần suất xuất hiện hạn hán sẽ tăng ảnh hưởng xấu cho sản xuất nông nghiệp của vùng.
Tóm lại, làm sao để hình thành thường trực trong suy nghĩ của các cấp lãnh đạo và người dân về nguy cơ của BĐKH, trên cơ sở đó có những quyết sách, những việc làm để chuyển đổi, thích nghi cả về phòng, chống các hiện tượng thời tiết cực đoan và những hiện tượng cụ thể như nước biển dâng, xâm nhập mặn; hạ tầng đô thị và hạ tầng khu dân cư; hạ tầng mềm và hạ tầng cứng, cả chiến lược phát triển, thay đổi cơ cấu kinh tế vùng miền. Ngoài kịch bản BĐKH ra còn phải hình dung được mức độ tác động, xu hướng tác động, những tác động chính để thích nghi, sống chung, thay đổi, chuyển đổi.
Bích Thuần (t/h)