Hạn hán gây khủng hoảng nguồn nước ở Australia
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 16/11/2018
– Trong báo cáo công bố ngày 14/11, Hội đồng Khí hậu Australia cảnh báo các đợt hạn hán nghiêm trọng và những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện thường xuyên hơn tại nước này nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không “hạ nhiệt.”
>>>Tăng cường các giải pháp đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
>>>Thanh Hóa: Chân cầu Hàm Rồng lịch sử bị sụt lún nghiêm trọng
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại Duri, New South Wales, Australia ngày 7/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thống kê mới đây, lượng mưa tại khu vực Đông Nam châu Đại Dương đã giảm 25% vào đầu mùa Thu năm nay và giảm 15% vào cuối Thu, đầu Đông. Đây là mức giảm cao chưa từng có trong vòng 30 năm qua.
Báo cáo trên được đưa ra khoảng một tháng sau khi Cơ quan Khí tượng Australia cảnh báo, hiện tượng ấm lên toàn cầu do El Nino tác động tới Nam bán cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức bình thường khiến nền nhiệt tăng cao tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán ở miền Đông Australia.
Bên cạnh đó, khu vực ven biển phía Đông của Australia cũng đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất là 50 năm trở lại đây với 100% diện tích bang New South Wales rơi vào tình trạng khô hạn. Chưa dừng lại tại đó, hiện tượng cộng dồn các yếu tố khô hạn, nắng nóng cực đoan và những vụ cháy rừng nghiêm trọng ngày càng gia tăng đang hủy hoại một số hệ sinh thái có giá trị nhất của Australia, trong đó có vùng rừng tự nhiên ở Tasmania, nơi được công nhận là di sản thế giới.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp nếu các tác động không được hạn chế. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy tại vùng lòng chảo Murray – Darling, một trong những lưu vực lớn nhất của Australia, cũng đã sụt giảm tới 41% kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, trong khi hệ thống nước ngầm tại miền Tây giảm khoảng 50%.
Trước tình hình hạn hán nghiêm trọng trong nhiều tháng qua, nhà chức trách Australia đã đẩy mạnh công tác viện trợ nhằm giúp hai bang nông nghiệp lớn ở miền Đông, gồm New South Wales và Queensland khắc phục tình trạng mất mùa cũng như thất thu trong chăn nuôi.
Bích Thuần (t/h)