Hội nghị COP 24: Kỳ vọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi sinh
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:30, 05/12/2018
– Chiều 3/12 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đã chính thức khai mạc tại thành phố Katowice, Ba Lan.
>>> Tân Cương, Trung Quốc: Xuất hiện “Tuyết vàng” hiếm gặp phủ kín vùng
>>>Singapore: Chất thải nhựa tái chế giảm sức ép cho đại dương, bảo vệ môi trường
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại lễ khai mạc COP24. Ảnh: Sean Gallup/ Getty Images
Trong kỳ hội nghị kéo dài 12 ngày lần này, lãnh đạo các nước trên thế giới sẽ thảo luận và thông qua bộ quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015. Trong bối cảnh hiện tại, khi cuộc chiến của nhân loại với biến đổi khi hậu đang đi đến gia đoạn then chốt, Hội nghị COP 24 được coi như một bước quan trọng trong kỳ vọng hồi sinh Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu.
Ngày 4/12, WB đã công bố những mục tiêu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2025, với số vốn tài trợ trong 5 năm tăng gấp đôi, lên khoảng 200 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước thực hiện những hành động đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch mới tăng đáng kể nguồn tài chính cho các hoạt động thích ứng và nâng cao khả năng chịu đựng, do tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất thế giới.
Kế hoạch này cũng thể hiện kỳ vọng đang gia tăng mạnh mẽ của WB, đồng thời gửi một tín hiệu quan trọng đến cộng đồng toàn cầu nhằm cùng hành động. Số tiền 200 tỷ USD của WB bao gồm khoảng 100 tỷ USD tài chính trực tiếp từ WB (IBRD/IDA) và khoảng 100 tỷ USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), cùng với số vốn của các nhà đầu tư tư nhân do WB huy động.
Một trong những ưu tiên quan trọng là tăng cường hỗ trợ để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, do hàng triệu người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Với việc tăng mạnh nguồn tài chính trực tiếp cho các hoạt động thích ứng lên đến khoảng 50 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2025, đây sẽ là lần đầu tiên WB coi vấn đề này quan trọng ngang với các hoạt động đầu tư giảm phát thải.
“Nhiều người đang mất đi mạng sống và sinh kế do những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân, nhưng đồng thời cũng phải thích nghi với những hậu quả, thường ảnh hưởng nghiêm trọng nhất lên những người nghèo nhất trên thế giới,” bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc WB nói: “Đây là lý do tại sao WB cam kết tăng nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD. Các hoạt động hỗ trợ sẽ giúp xây dựng hệ thống dự báo chất lượng cao, hệ thống cảnh báo sớm và dịch vụ thông tin khí hậu để hơn 250 triệu người tại 30 nước đang phát triển sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước những rủi ro khí hậu. Ngoài ra, các hoạt động đầu tư dự kiến cũng sẽ phát triển các hệ thống bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu hơn tại 40 quốc gia, và đầu tư cho nông nghiệp thông minh với khí hậu ở 20 quốc gia”.
Được biết, trong năm 2018, WB đã cấp số vốn kỷ lục 20,5 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng gấp đôi ngân sách thực hiện trong năm trước khi ký Thỏa thuận Paris và hoàn thành mục tiêu của năm 2020 trước 2 năm.
Ba năm trước, tại Hội nghị COP 21 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khi hậu, đại diện của 195 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận Paris về các biện pháp giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận Paris cam kết giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C cho đến năm 2030. Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, những đợt nắng nóng kéo dài liên tiếp và ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng đối với hệ sinh thái đã chứng minh rằng, nỗ lực của toàn thế giới chưa bao giờ là đủ.
Chính vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 về biến đổi khí hậu diễn ra tại Ba Lan là một trong hai kỳ hội nghị mang tính quyết định trước khi Thỏa thuận Paris 2015 chính thức có hiệu lực vào năm 2020.
Thu Hà (T/h)