Miền Trung: Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:33, 17/12/2018
– Theo báo cáo nhanh ngày 17/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo ngày 17/12, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to, dẫn tới tình hình lũ trên các sông ở miền Trung vẫn ở mức báo động cao. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
>>> Harvard (Mỹ): Chặn ánh sáng Mặt trời để giảm biến đổi khí hậu
>>> Các dự án đốt rác phát điện: Giải pháp hiệu quả, bền vững
Ảnh minh hoạ (Nguồn: kienthuc.net.vn)
Mực nước trên sông Bồ (Thừa Thiên – Huế), sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Kôn (Bình Định) có dao động. Mực nước lúc 7 giờ ngày 17/12, trên các sông như sau: Trên sông Vệ (Quảng Ngãi) tại Sông Vệ 3,07m, dưới báo động 2 là 0,43m; trên sông Kôn (Bình Định) tại Thạch Hòa 6,35m, dưới báo động 2 là 0,65m. Dự báo, ngày 17/12, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi và Bình Định có dao động ở mức trên báo động 1 và báo động 2.
Cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Về tình hình hồ chứa thủy điện, theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Bộ Công thương, trong 161 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 14 hồ xả điều tiết qua tràn. Khu vực Bắc Trung Bộ (16 hồ), trong đó có 02 hồ vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, lưu lượng xả qua tràn/lưu lượng về hồ: Hương Điền: 41/242 m3/s; A Lưới: 28/71 m3/s. Khu vực Tây Nguyên (55 hồ), trong đó có 02 hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Đa Nhim: 106/100 m3/s; Đồng Nai 2: 22/35 m3/s; 03 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Đak Srong 2: 20/90 m3/s; Dak Srong 2a: 20/110 m3/s; Đă Srong 3b: 200/350 m3/s. Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ (28 hồ), trong đó có 04 hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Krông H’năng: 71/124 m3/s; Sông Hinh: 400/454 m3/s; Vĩnh Sơn 5: 40/95 m3/s; Đak Mi 4a: 140/279 m3/s; 03 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Sông Giang 2: 22/28 m3/s; Đăk Mi 4c: 36/173 m3/s; La Hiêng 2: 65/86 m3/s.
Về hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 16h00 ngày 16/12, dung tích các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đạt 80-100% dung tích thiết kế, các hồ có cửa van đang xả qua tràn. Cụ thể: Hồ Phú Ninh xả 243 m3/s (Quảng Nam); Hồ Định Bình xả 30m3/s, Trong Thượng 7,6m3/s, Hồ Thuận Ninh xả 1,12m3/s, hồ Quang Hiến xả 1,25 m3/s (Bình Định); Hồ Suối Hành xả 5m3/s (Khánh Hòa); Núi Ngang 35m3/s (Quảng Ngãi). Các tỉnh Tây Nguyên hiện tại có hồ 04 hồ đang xả tràn: Đắc Uy xả 1,78 m3/s (Kon Tum); hồ Ea Soup Thượng xả 9 m3/s, Krông Buk Hạ xả 11,8 m3/s (Đăk Lăk), hồ Đội 12 xả 8,23 m3/s.
Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo ngày 16/12/2018 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Đắk Lắk, do mưa lớn trên địa bàn tỉnh trong ngày 15/12 đã xảy ra thiệt hại như sau: Về giao thông, tuyến quốc lộ 19C từ xã Ea Riêng đi Ea M’Doal đoạn đèo Dốc cọp bị sạt lở làm ách tắc giao thông. Một số ngầm, cầu tràn đã bị ngập sâu trong nước làm chia cắt giao thông như ngầm Buôn M’hao, cầu tràn Tổ dân phố 8 thị trấn M’Drắk, cầu tràn buôn Um xã Krông Jing; ngầm Thôn 2 xã Ea Lai bị sạt lở khoảng 30m. Chiều ngày 16/12 nước đã rút, các cầu tràn đi lại bình thường, các đoạn đường ách tắc giao thông đã cơ bản thông suốt. Về thuỷ lợi: Hồ Ea M’Doal, bị sập tường cánh bê tông chắn đất tràn xả lũ, hồ Đội 36, xã Ea Riêng, hồ Đội 4, hồ C19 bị xói trôi phần rọ đá gia cố chống sạt lở đuôi tràn xả lũ. Hiện chủ hồ đang triển khai túc trực 24/24 theo dõi diễn biến sự cố, đồng thời chuẩn bị rọ đá, vải lọc… để xử lý khắc phục sự cố.
Để ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Công điện số 59/CĐ-TW hồi 16h ngày 12/12/2018 gửi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên; các Bộ ngành liên quan chỉ đạo việc khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó diễn biến mưa lũ tiếp theo. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thường xuyên liên lạc nắm bắt thông tin về công tác thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả và triển khai ứng phó ở các địa phương. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, Ninh Thuận đã có công điện, thông báo, báo cáo về việc ứng phó với mưa lũ. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lớn, đặc biệt đảm bảo an toàn hồ chứa Ea M’Doal, huyện M’Drắk. Các tỉnh nghiêm túc thực hiện các nội dung Công điện số 59/CĐ-TW ngày 12/12/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Theo ĐCS