Indonesia: Hệ thống cảnh báo sóng thần đã không hoạt động từ năm 2012
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:00, 26/12/2018
– Chỉ hai ngày sau trận sóng tần tấn công đảo Sumatra và Java ở eo biển Sunda khiến gần 400 người thiệt mạng. Một quan chức Indonesia cho biết, hệ thống phao cảnh báo sóng thần của Indonesia đã không hoạt động kể từ năm 2012.
>>> Cảnh báo nguy cơ dịch lở mồm long móng ngày cận tết
>>>Dự báo thời tiết ngày 25/12: Hà Nội đêm và sáng sớm trời rét
Đồ họa mô phỏng sóng thần do núi lửa Anak Krakatau gây ra (Đồ họa: Alex Cox/Dailymail)
Tối 22/12, một đợt sóng thần mạnh đã tấn công eo biển Sunda nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia, chỉ khoảng hơn 20 phút sau khi núi lửa ở đây phun trào. Thảm họa sóng thần này đã khiến gần 400 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương. Con số thương vong được dự báo còn tăng tiếp.
Sở dĩ con số thương vong cao là bởi người dân ở các vùng đảo trên không nhận được bất cứ cảnh báo nào về một đợt sóng thần sắp ập tới. Giới chức địa phương thậm chí ban đầu còn cho rằng, đợt sóng tấn công không phải sóng thần mà chỉ là một đợt thủy triều dâng nên người dân không cần quá lo lắng.
Giới chuyên gia cho rằng, trận sóng thần này có thể gây ra do núi lửa Anak Krakatoa phun trào kéo theo hiện tượng “sụp đổ một phần” núi Anak Krakatau xuống biến và gây ra đợt sóng lớn.
Trong hàng loạt bình luận trên Twitter hôm nay, người phát ngôn Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết: “Các hành động phá hoại, thiếu ngân sách và lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống phao cảnh báo sóng thần không hoạt động”. Quan chức này xác nhận, vào đêm sóng thần tấn công đảo Sumatra và Java, không có bất cứ hệ thống cảnh báo sóng thần nào hoạt động.
“Không có hệ thống cảnh báo sóng thần nào vào đêm 22/12/2018. Điều đó đã khiến giới chức địa phương không thể phát hiện sớm sóng thần. Các dấu hiệu cảnh báo sóng thần không thể ghi nhận được do đó người dân không có thời gian để sơ tán”, ông Nugroho viết.
Cũng theo ông Nugroho, Indonesia đến nay vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo sóng thần có thể phát hiện sạt lở dưới đáy biển và những vụ phun trào núi lửa dưới biển.
Hiện tại, Indonesia chỉ có một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần gây ra bởi các trận động đất. Hệ thống này được lắp đặt vào năm 2008, vài năm sau trận động đất mạnh 9,3 độ richter kéo theo một đợt sóng thần tấn công khu vực Banda Aceh năm 2004. Thảm họa kép này ở Ấn Độ Dương khiến 168.000 người Indonesia và gần 250.000 người ở các khu vực lân cận thiệt mạng.
Ông Nugroho cho biết: “Có tới 127 núi lửa hay tương đương 13% núi lửa của thế giới tập trung ở Indonesia. Một số núi lửa đó nằm dưới biển hoặc nằm trên những đảo nhỏ nên khi phun trào có thể gây ra sóng thần. Theo ông, đó chính là thách thức cho các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu để phát triển các hệ thống cảnh báo sớm.
Bích Thuần (t/h)