Kon Tum: Tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy, quản lý và bảo vệ rừng mùa khô
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:00, 30/12/2018
– UBND tỉnh Kon Tum vừa có chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng mùa khô 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
>>>Phát hiện tàu Campuchia chở trái phép trên 200.000 lít dầu trên biển Tây Nam
>>>Tết Dương lịch 2019: Khánh Hòa đón 59.600 lượt khách du lịch
Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và Cục Kiểm lâm, mùa khô năm 2018-2019 tình hình thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết bất thường, khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng. Đồng thời, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum tình trạng nắng nóng, khô hanh đã xảy ra nhiều trên diện rộng, đây cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Để chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng cháy rừng và xâm hại đến tài nguyên rừng, hạn chế đến mức thiệt hại do cháy rừng gây ra. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng và nhân dân trên toàn tỉnh triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng (PCCR và QLBVR).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội có liên quan chủ động thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác PCCCR và QLBVR, trọng tâm là chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng; Văn bản số 8471/BNN-TCLN ngày 30/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2018-2019 và Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn và thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ của Chi cục Kiểm lâm để chủ động tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, giải quyết kịp thời, không để đám cháy lan trên diện rộng.
Kiểm tra, khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chuẩn bị sẵn sàng, huy động các lực lượng tại chỗ xử lý khi có cháy rừng; bố trí trực PCCCR thường xuyên 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô (đặc biệt là các ngày nghỉ, lễ tết…) để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ thời điểm ban đầu, kịp thời dập tắt đám cháy theo phương châm “4 tại chỗ” không để xảy ra cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Trường hợp đám cháy vượt tầm kiểm soát phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2018-2019. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương, cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng lửa trong canh tác nương rẫy của người dân. Tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao và điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép phải tổ chức lực lượng chốt giữ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Trong quá trình triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng đột xuất các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các đơn vị, địa phương và chủ rừng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và khi có cháy rừng xảy ra, không tổ chức chữa cháy kịp thời.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, xã. Thực hiện nghiêm túc việc thông báo cấp dự báo cháy rừng kịp thời đến cơ sở, chủ rừng để chủ động trong công tác PCCCR. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai phương án PCCCR của các đơn vị chủ rừng, chủ vườn cây cao su trên địa bàn quản lý; đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương có phương án giảm thiểu tối đa các vật liệu dễ gây cháy; đặc biệt là đối với các vườn cây cao su trên địa bàn huyện Ia H’Drai và Kon Rẫy
Chủ động tăng cường quản lý và hoạt động canh tác nương rẫy theo quy hoạch, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc dọn đốt nương rẫy; kiểm tra, giám sát các hoạt động nương rẫy tại các khu vực gần rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt nương rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở khu vực ven rừng, trong rừng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về PCCCR.
Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất với các cấp, các ngành về công tác phòng cháy và tình hình cháy rừng xảy ra. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Hoàng Lộc