Bình Thuận phát triển năng lượng tái tạo: “Nóng và lạnh”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:35, 24/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Các chuyên gia tư vấn trong lẫn ngoài nước đều đánh giá Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt Bình Thuận là địa phương đứng đầu cả nước về năng lượng gió và mặt trời.
Dự án điện gió. Ảnh minh họa
Quy hoạch điện gió và điện mặt trời
Xác định tầm quan trọng ở lĩnh vực này, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời trong toàn tỉnh. Theo quy hoạch được bộ chức năng phê duyệt, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Bình Thuận đạt xấp xỉ 700 MW, còn đến năm 2030 là khoảng 2.500 MW. Đối với điện mặt trời (hiện được UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương thẩm định) sẽ hướng tới công suất lắp đặt xấp xỉ 828 MW vào năm 2020 và đến năm 2030 là 4.520 MW…
Mới đây ông Bùi Văn Thịnh – Giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình và là Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng: Phát triển năng lượng tái tạo cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng như hai thái cực “nóng” – “lạnh”. Bởi tính đến nay, toàn tỉnh thu hút 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.200 MW, nhưng sau 7 năm với chính sách hỗ trợ thì mới có 3 dự án hoàn thành, vận hành thương mại. Với tổng công suất lắp đặt của cả 3 dự án trên chỉ vài chục MW và thực tế các dự án điện gió còn lại có tiến độ đầu tư chậm, thế nên đến năm 2020 địa phương rất khó đạt mục tiêu kế hoạch là 700 MW. Trong khi đó trong thời gian ngắn, gần đây Bình Thuận đã thu hút hàng loạt dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất đăng ký lắp đặt gần như chạm mốc mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2030.
Giá mua điện gió thấp
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hai thái cực “nóng” – “lạnh” nêu trên, ông Bùi Văn Thịnh cho biết giá mua điện gió ở nước ta (7,8 USCent/kWh) thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và thế giới. Dẫn chứng là giá mua mỗi kWh điện ở Nhật Bản lên đến 29 USCent, Thái Lan là 20 USCent, Philippin khoảng 14 USCent, Hàn Quốc 9,5 USCent… Vì vậy các chủ đầu tư không thể vay vốn triển khai dự án, còn với các dự án đang vận hành cũng không mặn mà mở rộng quy mô vì không có lãi, thậm chí thua lỗ. Đối với điện mặt trời, giá mua Chính phủ quy định là 9,35 USCent/kWh nên hấp dẫn hơn, trong khi xu hướng công nghệ và giá thành tấm PV sản xuất điện mặt trời ngày càng rẻ.
Vấn đề đặt là lưới điện nước ta hiện nay rất yếu, chưa thể hấp thu một tỷ trọng cao của năng lượng tái tạo vốn dĩ bất thường và khó lường, tăng nguy cơ cho lưới điện. Thêm nữa, bất lợi của điện mặt trời so với điện gió là chiếm nhiều diện tích, trong khi đất đai đang là vấn đề khó khăn chung cho tất cả các dự án đầu tư… Để phát triển năng lượng tái tạo tại địa phương đem lại hiệu quả, các nhà đầu tư cần tính đến phải san sẻ kinh phí để nâng cấp lưới điện, đấu nối vào đường dây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thay vì phải làm đường dây mới. Bên cạnh đó cũng nên ưu tiên phát triển dự án năng lượng tái tạo có quy mô phù hợp điều kiện đất đai cằn cỗi, khô hạn ở những địa bàn có tiềm năng sản xuất điện gió, điện mặt trời như Tuy Phong, Bắc Bình, lòng hồ thủy điện Đa Mi…
Cần có cơ chế về giá mua điện năng lượng tái tạo
Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công Thương Bình Thuận) cho rằng: Chính phủ sớm xem xét quyết định tăng giá mua điện gió. Bởi nếu có giá mua hợp lý, dài hạn, đảm bảo giá thành đầu tư sẽ tạo sức hấp dẫn và thu hút các tổ chức tài chính tín dụng tham gia cho vay vốn để triển khai dự án. Đối với giá điện năng lượng tái tạo, những năm đầu tiên của dự án nên có cơ chế giá mua điện cao nhằm khuyến khích đầu tư, chủ yếu là để hỗ trợ nhà đầu tư trả nợ và lãi vay ngân hàng, từng bước thu hồi vốn. Còn giai đoạn các năm cuối sẽ giảm giá mua khi nhà đầu tư thu hồi được vốn và bắt đầu có lợi nhuận…
Theo BT