Kiên Giang: Triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn xâm nhập
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:33, 01/03/2019
Hiện nay, lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ mùa khô 2019. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng liên quan đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie (đầu châu thổ Me Kông). Theo ghi nhận, đến đầu tháng 02/2019, dung tích Biển Hồ đã xuống ở mức thấp so với đầu mùa khô, dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng ở mức hạn chế.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, có tham khảo với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, đưa ra nhận dịnh: Mùa mưa năm 2019 ở Tây Nam bộ nói chung, trong đó có Kiên Giang, khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, muộn hơn so với trung bình nhiều năm, cảnh báo ít mưa trong tháng 03-4/2019. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Kiên Giang ở mức tương đương trung nhiều năm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2017-2018. Độ mặn cao nhất xuất hiện vào cuối tháng 4 hoặc nửa đầu tháng 5/2019.
Trước tình hình như vậy, Chi Cục Thủy lợi đã phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến khí tượng, thủy văn; cập nhật tình hình mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc và các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh trục chính; kịp thời thông tin tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt.
Qua nghe báo cáo của các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn – Trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết tinh thần chung của cuộc họp là thông tin tình hình dự báo khí tượng, thủy văn mà cụ thể là khả năng mùa mưa sẽ đến muộn, mùa khô có thể khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, bước đầu, các sở ngành liên quan và các địa phương nắm thông tin, xây dựng phương án và triển khai các công việc ứng phó kịp thời. Tiếp sau cuộc họp này, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo toàn diện các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn mặn và chủ động nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm 2019.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn nhấn mạnh một số nội dung cần thực hiện ngay: Trước hết, các cơ quan truyền thông, Đài Khí tượng Thủy văn, Chi cục Thủy lợi tăng cường thông tin tuyên truyền diễn biến tình hình khí tượng thủy văn để địa phương biết được và hướng dẫn người dân cách ứng phó. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi vận hành đóng mở hệ thống cống hợp lý, hướng dẫn địa phương đắp đập tạm ở những nơi cần thiết; tiến hành đắp đập và sẵn sàng thủ tục để đầu tư xây dựng cống Tà Niên và cống Hòa Điền. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và các địa phương theo dõi chặt chẽ dự báo mực nước nội đồng và mặn xâm nhập ở cửa biển.
Mặc dù hiện nay các hồ đều trữ đầy nước, tình hình tương đối không đáng lo ngại, nhưng không được chủ quan, phải chủ động lấy nước bổ sung khi mực nước vơi đi, để chủ động nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời, cơ quan chức năng và địa phương phải có phương án dự phòng từ các giếng khoan và các trạm bơm, tổ chức kiểm tra, rà soát, duy tu, sửa chữa ngay; xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí vận chuyển, cung cấp nước ngọt cho các vùng biển và hải đảo. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây dựng Trạm cấp nước U Minh Thượng.
Đối với nguồn nước phục vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng sản xuất; làm việc với tỉnh An Giang để tính toán lại lịch mùa vụ nhằm tránh thiếu hụt nguồn nước do cùng lúc đều lấy nước. Huyện U Minh Thượng bố trí mùa vụ sản xuất hợp lý, tránh thiệt hại vùng sản xuất lúa không ăn chắc, đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả. Các huyện, thành phố và Phòng Nông nghiệp huyện, thành phố vận động, khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm ngặt lịch thời vụ, đảm bảo thời gian đất nghỉ để cách ly dịch bệnh, không hỗ trợ thiệt hại đối với các trường hợp không tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.
Quốc Tuấn