Gia Lai: Nông dân “oằn mình” chống “giặc hạn”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:33, 08/03/2019
Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nhì trong cả nước với trên 94.000 ha. Nhiều ngày qua, cả ngàn hộ dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh “vắt chân lên cổ” tìm nguồn nước chống hạn cho những hy vọng còn lại; khi mà cây hồ tiêu – cây trồng vốn được mệnh danh là “vàng đen” đang bị xóa xổ bởi dịch bệnh.
Tại huyện Ia Grai, nơi có hơn 17.000 ha diện tích cà phê, nhiều hộ nông dân quên ăn, phơi mình trong nắng nóng và thức trắng đêm để canh nước tưới cho cây trồng. Ngay trong những ngày Tết vừa qua, các gia đình đã phải thay nhau chống hạn cho cây no nước để cây đủ sức bung hoa theo lịch tưới lần 2.
Ảnh minh họa
Dọc theo tuyến đường tránh nối liền giữa 2 huyện Ia Grai và Chư Pah, công việc khiến bà con tất bật mà chúng tôi ghi nhận được trên cung đường này là chuyện bơm tưới, nhưng nhiều nơi nước đã không thể đáp ứng nhu cầu tưới cho cây, dù mùa khô chỉ mới bắt đầu.
Chia sẻ với báo chí, ông L.Đ.T (trú xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông có 1 ha cà phê đang vào đợt tưới nước. Tuy nhiên, vào đợt tưới đầu gia đình ông chật vật, canh nước mãi mới đủ để tưới cho cà phê.
Theo ông T. đây là đợt tưới nước thứ 2 của gia đình ông, tuy nhiên lần này nước cạn kiệt, máy bơm của nhà ông chỉ hoạt động được 3-4 tiếng là hết khô nước.
“Mấy năm trước gia đình tôi tưới cà phê xả láng, tưới cả ngày cũng không hết nước. Mỗi lần như vậy chỉ cần 3-4 ngày là tưới xong vườn cà phê, nhưng năm nay phải mất hơn 10 ngày.
Chẳng hiểu tại sao năm nay lại khô hạn như thế này. Giờ chỉ mới đầu mùa khô đã vậy, không biết ít hôm nữa cây cối sống như thế nào”, ông T. buồn bã nói.
Không chỉ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người dân tại Đắk Lắk cũng đang lao đao vì cạn kiệt nguồn nước.
Trước diễn biến thời tiết thất thường, nông dân Tây Nguyên đang chủ động về nguồn nước nhằm chống hạn và cứu lấy cây trồng chủ lực của địa phương; vớt vát lại nguồn thu nhập ngày một ít dần của bà con nông dân. Tuy nhiên, với cách mở rộng lòng ở đáy giếng, đến chuyện khoan ngang với chiều sâu lên đến gần cả trăm mét như cách mà nhiều người dân tại huyện Ia Grai đang làm đã và đang tác động lớn đến mực nước ngầm; làm cho mạch nước ngầm giảm dần qua các năm mà các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang được cảnh báo.
Chi phí, công sức bỏ ra là vậy nhưng nỗi lo lớn nhất của dân về nguồn nước vẫn không hề vơi và chuyện vườn cây “hóa củi” sẽ không phải là việc nói suông nếu không có các giải pháp lâu dài, hiệu quả từ sự kiểm soát, phối hợp của chính quyền và nông dân.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho hay, do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm và tình hình thời tiết năm 2019.
Vị này còn cho hay, mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trong khi đó, lượng nước trên các sông hồ giảm, lượng dòng chảy thấp, một số hồ chứa chưa kịp tích đủ nước bị thiếu hụt nước tưới từ 30-35%. Do đó, để đảm bảo nước tưới cho người dân các nhà quản lý hồ đập, thủy điện cần có cơ chế vận hành hợp lý.
Minh An (T/h)