Hậu Giang: Giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:05, 27/03/2019
Khóm gặp nước mặn mới ngon
Huyện Long Mỹ đang là điểm “nóng” trong mùa khô hạn của tỉnh Hậu Giang khi nước mặn đã xâm nhập đến trung tâm huyện. Trong đó, tại xã Lương Nghĩa và Vĩnh Viễn A, độ mặn đo được lên đến 12‰. Song, do có kinh nghiệm nên người dân ở đây đã chủ động “chung sống với mặn”.
Khóm Cầu Đúc, đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang
Những ngày này, ông Tư Cường ở xã Lương Nghĩa đã be bờ bao lại các mương trữ nước ngọt quanh nhà để sinh hoạt và dành tưới tiêu cho diện tích cây ăn trái. Ông Lê Văn Phước (Năm Phước), Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, cùng cán bộ ngành nông nghiệp cũng lặn lội đến nhiều nhà dân để vận động dùng nhiều cách trữ nước ngọt.
Trong đó, ông Năm Phước đã tranh thủ vận động người cao niên trong xã quay lại sử dụng lu, kiệu để trữ nước ngọt. Đây là một kinh nghiệm quý của người Nam bộ lâu nay. Hiện nay phong trào trữ nước ngọt trong lu, kiệu đang được người dân Kiên Giang và Bến Tre sử dụng rất nhiều.
Ông Năm Phước tỏ ra khá yên tâm, khi người dân ở đây phát triển trồng 400ha khóm. Cần nói thêm, khi nước mặn xâm nhập sẽ làm chất lượng cây khóm đậm đà hương vị hơn. Đây cũng là đặc thù của dòng khóm Queen (nữ hoàng) được trồng ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh.
Trước đây, cây khóm Hậu Giang cũng nhiều lần lao đao vì bị bệnh. Xác định đây là cây có thể thích nghi cao trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, Hậu Giang đã tập trung đầu tư căn cơ để giúp nông dân phát huy thế mạnh của cây khóm. Cụ thể, Hậu Giang đã mời các nhà khoa học từ Trường Đại học Cần Thơ hợp tác giúp nông dân hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng khóm giống Queen “Cầu Đúc” sạch bệnh tại Hậu Giang.
Các mô hình chuyên canh khóm Queen sạch bệnh “Cầu Đúc” với quy mô 35ha/1,050 triệu cây giống cấp II sạch bệnh cho người dân trồng khóm tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh phát triển tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh héo khô đầu lá 0%, năng suất bình quân 36 tấn/ha/năm, trái đạt tiêu chuẩn quốc gia. Điều đáng ghi nhận là các mô hình này đã giúp nông dân tăng nhanh thu nhập do tỷ lệ trái đạt loại 1 là 90%, còn lại 10% trái loại 2.
Đến giúp nông dân huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang cũng đang rốt ráo hoàn thiện hệ thống đê bao, cống, đập ngăn mặn trữ ngọt đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đến nay, hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh đã hoàn thiện chiều dài 32,5km, 20 cống hở, 18 cống tròn. Mới đây, tỉnh cũng đã phân bổ kinh phí trên 84 tỷ đồng nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao, cống, đập, nạo vét kênh mương ngăn mặn trữ ngọt.
Xây hồ trữ nước ngọt
Hiện Hậu Giang đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hậu Giang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đề xuất và thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy với tổng mức đầu tư gần 165 tỷ đồng.
Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, hiện nay các đơn vị đang thực hiện thiết kế và cố gắng hoàn thành sớm dự án hồ chứa nước ngọt để chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt.
Tỉnh Hậu Giang cũng đang thực hiện nhiều dự án thiết thực giúp nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý là các dự án xây dựng mô hình tiêu, tràm hiệu quả và bền vững tại 3 địa phương: TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ. Đồng thời, hỗ trợ một số mô hình khuyến nông cho nông dân như: mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình canh tác bưởi sử dụng tưới phun hoặc nhỏ giọt… đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Song, nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa như: tác động xấu của biến đổi khí hậu, rõ nhất là có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện nông dân Hậu Giang đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật thông minh sản xuất cá thát lát, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, dưa lê, thanh long…
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:, việc giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Cần nhiều giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Từ đó, giúp nông dân, HTX dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định, tận dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, những kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, để tạo sinh kế bền vững cho nông dân Hậu Giang.
Mai Mai (T/h)