TP. Hồ Chí Minh: Nắng nóng gay gắt vượt ngưỡng nguy hiểm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 27/03/2019
Ảnh minh họa
Chiều 26.3, theo trang WeatherOnline, chỉ số tia UV ở TP.HCM trong ngày 26.3 ở mức 12. Ngày 27.3, chỉ số tia UV cũng là 12, hai ngày sau đó sẽ giảm xuống còn 10 và 9. Đây đều là những chỉ số ở mức rất cao, có thể gây ảnh hưởng cho da.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV ở mức 11+ thì thời gian gây bỏng là 10 phút. Chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao), thời gian gây bỏng là 25 phút. Như vậy, với chỉ số UV hiện tại, người Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới mặt trời trong thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ.
Chỉ số UV là số đo cường độ tia cực tím chiếu lên bề mặt trái đất khi mặt trời lên cao nhất. Người ta lập ra chỉ số này để xác định sự cần thiết của các biện pháp phòng hộ phù hợp khi ra nắng để làm giảm nguy cơ bỏng nắng (cháy nắng), ung thư da và tổn thương mắt do tia nắng.
Tuy nhiên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết trong hôm nay, Đài không thể cung cấp được số liệu về chỉ số tia UV vì máy đo đặt tại trạm Nhà Bè đang bị hư. Dự kiến ngày 27.3 sẽ sửa xong và thông tin chỉ số tia UV đến người dân.
Cũng theo một chuyên gia về dự báo, các số liệu trên web nước ngoài chỉ có tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác vì không ai xác định đo bằng cách nào, máy đã kiểm định hay chưa…
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Châu – Chuyên khoa da liễu của Bệnh Viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết, “Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ UV (hay còn gọi là Tia cực tím, Tia tử ngoại, Tia UV) thì các tác hại phổ biến của tia UV với làn da có thể kể tới như: khiến làn da trở nên đen, sạm; gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm cho da; tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da; gây ra và thúc đẩy bệnh ung thư da.”
Thực tế, ngay cả khi chỉ số tia UV không quá cao, thì vẫn có khoảng 80% người đã bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời, do không được phòng chống tác hại của tia UV đúng cách.
Ngọc Phương (t/h)