Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề tới rạn san hô lớn nhất thế giới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:30, 05/04/2019
– Sự thay đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng cao ở nhiều phần của quần thể san hô, gây cản trở nghiêm trọng khả năng tự phục hồi của rạn san hô.
>>> Sông băng của Thụy Sĩ dần biến mất do thời tiết khắc nghiệt
>>> Amazon mất 30 triệu ha rừng nguyên sinh chỉ trong 17 năm
Suốt 30.000 năm qua, rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của mình, như nước biển dâng, nhiệt độ nước biển tăng cao, hay lượng trầm tích dưới đáy biển tăng cao. Thế nhưng, bất chấp những hiểm nguy đe dọa, thì rạn san hô này vẫn sống sót, dù đã 5 lần đứng sát bên bờ vực của sự diệt vong – theo như nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học được thực hiện ở khu vực Bắc Queensland, Úc.
Kết quả nghiên cứu của các giáo sư thuộc trường Đại học James Cook, Australia, cho biết các thiệt hại đối với “Great Barrier Reef” trong những năm gần đây đã làm tổn hại đến khả năng phục hồi của quần thể san hô này và biến đổi khí hậu có thể khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Ông Terry Hughes, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về san hô của Đại học James Cook, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sự thay đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng cao ở nhiều phần của quần thể san hô, gây cản trở nghiêm trọng khả năng tự phục hồi của rạn san hô. Số lượng san hô mới xuất hiện tại rạn san hô này cũng đã giảm đến 89% sau các sự kiện “tẩy trắng” gần đây.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, “Great Barrier Reef” đã trải qua 4 đợt “tẩy trắng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng san hô đặc biệt là các đợt tẩy trắng trong hai năm 2016 và 2017 đã phá hủy một nửa lượng san hô tại đây.
“Tẩy trắng” là hiện tượng mà các đợt sóng nhiệt đã khiến các loài tảo cộng sinh sống trong tế bào và cung cấp dinh dưỡng cho san hô bị cuốn đi khiến san hô bị phá hủy. Trong lịch sử, mỗi khi bị thiệt hại do “tẩy trắng” hay bão, những phần san hô trưởng thành sẽ sản sinh hàng nghìn tỷ ấu trùng mỗi năm sau đó lan rộng và từ từ hồi sinh rạn san hô bằng cách thay thế san hô đã chết bằng san hô mới.
Tuy nhiên, điều này không còn xảy ra trong những năm gần đây. Các nghiên cứu dự báo rạn san hô Great Barrier Reef sẽ đón nhận hai đợt “tẩy trắng” mỗi thập kỷ cho đến năm 2035 và sau 2044 sẽ là liên tục hàng năm nếu thế giới không cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng lượng san hô sống sót sau đợt tẩy trắng năm 2016 đang tự phát triển khả năng thích nghi khiến cho sự phá hủy trong đợt tẩy trắng năm 2017 không quá lớn. Vì vậy, có hy vọng rằng san hô sẽ có thể thích nghi ngay cả khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5 độ C so với trước thời tiền sử.
Nguyên nhân của điều này đến từ tốc độ thay đổi của môi trường sống trên Trái đất hiện tại. Nếu như trong quá khứ, nhiệt độ biển tăng lên vài độ sau khoảng 10.000 năm, thì nay chỉ mất khoảng 100 năm, nhiệt độ trung bình đã tăng lên khoảng 0,7 độ C rồi.
Năm ngoái, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science đã phát hiện rằng các rạn san hô trên toàn cầu đang bị tẩy trắng nhanh gấp 4 đến 5 lần so với giai đoạn trước năm 1980 và tốc độ tẩy trắng nghiêm trọng cũng đang tăng lên theo thời gian.
Great Barrier Reef là quần thể san hô nằm ngoài khơi bờ biển bang Queensland, Australia, trải dài hơn 2.400km, là quần thể san hô lớn nhất thế giới và là niềm tự hào của người dân Australia, tuy nhiên nó đang bị tàn phá nặng nề bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Great Barrier Reef nằm trong danh sách Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và mỗi năm thu về 3,5 tỷ AUD (hơn 2,5 tỷ USD) cho ngành du lịch Australia.
Thùy An (t/h)