ĐBSCL: Cảnh báo mặn có khả năng xâm nhập sâu 40-50 km trong tháng 4

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:00, 08/04/2019

– Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô 2018-2019 thuộc năm thủy văn có mặn xâm nhập sớm, sâu và nồng độ mặn cao hơn so với những năm gần đây. Đặc biệt vào tháng 4 – nhất là trong các đợt triều cường kết hợp gió chướng độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

>>> Hà Nội: Nỗ lực phủ xanh nhiều tuyến phố

>>> TP.HCM: Hơn 60 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường

Ảnh minh họa 

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất từ đầu mùa khô đến ngày 4/4 tại khu vực sông Vàm Cỏ là khoảng 70-80 km, sâu hơn 18-30 km so với cùng thời kỳ năm 2017-2018, vẫn thấp hơn gần 10-20 km so với mùa khô năm 2015-2016.

Tại khu vực cửa Sông Cửu Long khoảng 35-45 km, sâu hơn từ 2-5 km so với cùng thời kỳ năm 2017-2018, thấp hơn từ 12-25 km so mùa khô năm 2015-2016.

Tại khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn là khoảng 58 km, sâu hơn gần 6km so với cùng thời kỳ mùa khô năm 2017-2018 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 10 km so với cùng thời kỳ mùa khô năm 2015-2016.

Về độ mặn, bước sang tháng 4, tình hình xâm nhập mặn ở nhiều cửa sông đang cao hơn cùng kỳ mùa khô năm ngoái.

Hiện trên sông Vàm Cỏ, tại trạm Bến Lức, độ mặn lớn nhất đạt 5,8‰, cao hơn 4,5‰ so với mùa khô năm 2018; trên sông Vàm Cỏ Tây, tại trạm Tân An, độ mặn lớn nhất đạt 4,9‰, cao hơn 4,4‰.

Ở vùng cửa Sông Cửu Long, độ mặn lớn nhất là 12,6‰ tại Lộc Thuận, trên sông Cửa Đại, cao hơn 1,4‰ so với mùa khô năm 2018.

Còn tại khu vực giáp biển Tây, trên sông Cái Lớn (địa bàn Kiên Giang, Hậu Giang), độ mặn lớn nhất đạt 25,3‰, cao hơn 5,3‰ so với năm 2018.

Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, ở vùng thượng ĐBSCL (phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ) được xem là thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Trong khi, mặn bất thường có thể ảnh hưởng đến các vùng cửa sông Mê Công thuộc Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vịnh do vận hành của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và thời tiết cực đoan.

Vùng ven biển ĐBSCL gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang trong tháng 4 lưu lượng nước còn duy trì cao, tuy nhiên việc gia tăng lấy nước trên đồng bằng do nắng nóng khiến xâm nhập mặn các cửa sông ven biển có thể sâu hơn. Nguồn nước ngọt có nguy cơ thiếu hụt. Do vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và chủ động tích trữ nước.

Về tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2019 cho vùng ĐBSCL, tính đến thời điểm hiện tại, dự báo lượng nước về đồng bằng từ thượng nguồn Mê Công đã chuyển từ dưới trung bình nhiều năm lên trên trung bình nhiều năm từ ngày 27/12/2018. Nguồn nước điều tiết từ từ Biển hồ Tonle Sap hiện coi như đã hết. Nguồn nước về ĐBSCL hiện ở mức tương đương năm 2017.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 có khả năng có mặn xâm nhập sâu 40-50 km ở tháng 4. Đáng lưu ý, trong các đợt triều cường kết hợp gió chướng, độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

Viện khuyến cáo tại vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ Hè Thu.

Đối với vùng giữa ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là còn thuận lợi nhưng cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do vận hành thủy điện thời tiết cực đoan; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Đối với vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao hơn TBNN và ở mức tương tự mùa khô năm 2017. Từ cuối tháng 1, vùng cách cửa sông Cửu Long 30-40km sẽ có mặn vượt quá 4‰. Sang tháng 2 và 3 mặn xâm nhập sâu vào vùng cách cửa sông 40-50 km, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp gió chướng độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

Trong tháng 4 và tháng 5, xâm nhập mặn trên các cửa sông các khu vực từ 50 km trở vào có khả năng tranh thủ khai thác nguồn nước ngọt, mặn có thể xuất hiện vào lúc triều cường.

Quỳnh Anh (t/h)

   

Quỳnh Anh (t/h)