Bài 2: Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:33, 19/06/2019

Moitruong.net.vn – Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền, người dân vùng ĐBSCL cần có những giải pháp phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cực kì thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, là một trong những vùng đồng bằng có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.

Trong thời gian qua, đồng bằng sông Cửu Long luôn là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Dân Đồng bằng sông Cửu Long dần bỏ xứ do biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những thách thức chủ yếu bao gồm: gia tăng nhanh chóng các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và sự hạn chế của tư duy, mô hình phát triển, của công tác quy hoạch, kế hoạch, hạn chế của những cơ chế, chính sách hiện nay đối với đồng bằng sông Cửu Long và thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các hoạt động trên thượng nguồn sông Mê Công ngoài biên giới nước ta.

Những trận ngập lịch sử tại vùng hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới đây đã cho thấy rõ những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhưng nghiêm trọng hơn, ở đó, những hệ lụy từ “nhân tai” đang dần lộ rõ: Mực nước lũ hằng năm vẫn ở mức xấp xỉ, nước biển dâng do BĐKH chỉ vài milimet mỗi năm, nhưng mức độ ngập thì cứ tăng đều!

Từ những ngày đầu tháng 10, hàng loạt tuyến đường nội ô TP Cần Thơ rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng. Nước triều đo được là 2,21m tại trạm sông Hậu vượt báo động 3 tới 0,31m. Đây được xem là mức triều kỷ lục từ trước đến giờ, và dự báo đỉnh triều có thể lên tới 2,20 – 2,25m (cao hơn báo động 3 tới 0,30 – 0,35m).

Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có thể đạt cấp độ 3. Các vùng lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng… cũng bị ngập nghiêm trọng từ nội ô ra tới quốc lộ, ngập sâu trong từng con hẻm, nước nhấn chìm cả tuyến huyết mạch Quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ – Vĩnh Long và đoạn Hậu Giang – Sóc Trăng, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại và làm đảo lộn cuộc sống của hàng vạn người dân.

Hiện nay, nước lũ sông Mê Kông đang giảm, mực nước đo được tại Tân Châu vào ngày 8/9 là 3,61m, thấp hơn trung bình nhiều năm là 3,95m. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL, phân tích: “Mực nước ở Tân Châu đang thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3cm, do đó chuyện ngập ở Cần Thơ và các đô thị lân cận có thể loại trừ yếu tố do lũ dâng cao.

ĐBSCL hàng năm nhận 475 tỉ m3 nước từ sông Mê Kông, cùng với lượng mưa hằng năm là 1.400 – 2.000mm, nước dồi dào vô cùng. Tuy nhiên, dù nước khắp nơi, nhưng không sử dụng được, do tình trạng ô nhiễm đã đến hồi báo động.

Khi nước mặt không dùng được, các hộ dân đã sử dụng nước ngầm. Toàn vùng ĐBSCL hiện có hàng trăm nghìn giếng khoan khai thác nước ngầm do người dân tự đầu tư và hàng trăm trạm cấp nước tập trung. Ước tính, tổng lượng nước ngầm khai thác toàn vùng trên dưới 1 triệu m3/ngày. Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức đã khiến nguồn nước bị suy giảm, đặc biệt là gây ra tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, trong số những nguyên nhân gây ngập, có nguyên nhân do tình trạng đê bao khép kín. Tại một số nơi đồng ruộng hay vườn cây ăn trái, các sông rạch với hai bên là hai con lộ kết hợp đê bao ngăn nước. Nước trong sông rạch của những “miệt vườn” này chỉ chảy quanh quẩn bên trong như là “máng xối” mà không vào trong ruộng đồng. Nước không phân chia được, buộc phải dâng cao và gây ngập ở những nơi khác.

Trước hết, cần phân tích, nhận diện đầy đủ các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn. Dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các định hướng chuyển đổi lớn.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long

Một nền nông nghiệp thâm canh, nặng về lượng, yếu về chất đang gây ra những hệ lụy kéo dài. Chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh là giải pháp tất yếu, không chỉ giải quyết bài toán môi trường, thích ứng BĐKH, mà xa hơn là mở hướng đi cho một nền kinh tế xanh, bền vững.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL, cho biết: Thực tế mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra 25 triệu tấn lúa nhưng xuất khẩu hơn một nửa. Nếu tiếp tục thâm canh liên tục như vậy, sau khoảng 20 – 25 năm, sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là tính đến các thành phần thực phẩm khác, chứ không chỉ có gạo. Do vậy, tư duy an ninh lương thực cần phải thay đổi từ việc chú trọng số lượng chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, tư duy chiến lược trong phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL là giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị thông qua chế biến và chuỗi giá trị, vươn tới thị trường giá trị cao. Cùng với việc xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì nên có sự tính toán lợi hại để tận dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên này, trong đó có việc phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún.

Quan trọng hơn, những ngành công nghiệp nặng, lạc hậu không nên phát triển tại vùng ĐBSCL, mà thay vào đó là công nghiệp phục vụ nông nghiệp chuyển hướng sang xanh, sạch và bền vững. Bên cạnh đó, phải thay đổi tư duy nông nghiệp từ tăng gia sản xuất sang làm kinh tế, chú trọng chất lượng, không còn áp lực phải canh tác suốt năm, giảm lượng phân bón, tăng giá trị sản phẩm.

GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh về nền nông nghiệp thông minh và cho biết: Đã qua rồi thời kỳ cả nước ai ai cũng lo cho an ninh lương thực, nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7 – 8 triệu tấn gạo/năm. Nhưng nông dân trồng lúa đã 40 năm mà vẫn là những người nghèo. Nền nông nghiệp phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt – tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo.

Trong đó, tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa – tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có là nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, phải nghiên cứu và phát triển theo chuỗi giá trị nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường, phát triển liên ngành và đa ngành, và phải làm sao xây dựng những chính sách liên kết hiệu quả.

Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, hiệu quả đã được áp dụng phổ biến tại nhiều địa phương như: Mô hình trồng lúa – nuôi tôm, trồng lúa – nuôi cá, trồng lúa chịu mặn. Đó đều là những mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường, đặc biệt là thích ứng với BĐKH. Những mô hình đó là cơ sở để nhân rộng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững…

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)