Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:35, 18/06/2019
Hội nghị nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với những tác động biến đổi khí hậu lên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế, đưa ra định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho phát triển đồng bằng này
Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan báo chí là làm sao chuyển tải những thông tin, kiến thức một cách hiệu quả, thiết thực để người dân có thể chủ động ứng phó với BĐKH, đồng thời là cầu nối thúc đẩy các cấp quản lý nhà nước ra quyết định hiệu quả, xây dựng các chính sách mang tính chiến lược trên tinh thần phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – Lê Công Thành – cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu và lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng, cần thiết.
Theo ông Thành, trong thời gian qua, chủ đề về tài nguyên và môi trường nói chung và thích ứng biến đổi khí hậu nói riêng luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền; đồng thời, các cơ quan truyền thông cũng đã ưu tiên thời lượng, dung lượng đăng phát, đổi mới phương thức truyền thông; qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đang gặp phải các khó khăn, hạn chế, như việc hiểu về các vấn đề của biến đổi khí hậu chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn, thu hút người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về biến đổi khí hậu chưa cao; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Thành cho rằng, hội thảo là dịp để các nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông, đối tác phát triển quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng cường nguồn lực cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần thu hút sự quan tâm, vào cuộc một cách mạnh mẽ của hệ thống chính trị trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Madhu Raghunath – Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – cho biết, trong thời gian tới, các đối tác phát triển cũng cam kết tăng cường hỗ trợ để làm cho các hệ thống sản xuất tại ĐBSCL trở nên thích ứng hơn với khí hậu và gia tăng sự phát triển bền vững môi trường…
Theo Bộ TNMT, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư cùng với hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL năm 2017 được tổ chức thành công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sâu sát, ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.
Nhờ đó, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội thể hiện ở tăng trưởng GDP 7,8% ấn tượng, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới.
BĐKH được nhìn nhận là vấn đề toàn cầu, trong đó vùng ĐBSCL của VN là một trong 3 đồng bằng bị tác động nặng nề nhất. Khu vực này đang đứng trước nhiều mối đe dọa do sụt lún, thiếu hụt phù sa, nước biển dâng… và tác động của quá trình sản xuất, phát triển của xã hội.
Ngày 18.6, tại TP.HCM, Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Hội nghị gồm nhiều nội dung quan trọng như “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” do Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì; “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chủ trì; “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL” do Bộ GTVT chủ trì. “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì…
Thùy Dương (T/h)