Hà Nội: Xây Nhà máy nước mặt sông Hồng phải đảm bảo an toàn đê

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:01, 21/04/2016

(Moitruong.net.vn) –

UBND TP Hà Nội vừa cho ý kiến về vị trí, phương án xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng.
Theo Công văn số 2918/VP-XDGT ban hành ngày 19/4/2016, UBND TP cho biết đã nhận được văn bản của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ý kiến về vị trí, phương án xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án Xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng (Hà Nội).

Tổng cục Thủy lợi cho rằng, vị trí dự kiến xây dựng công trình thu, trạm bơm nước thô tương ứng từ K46+130 – K46+280 đê hữu Hồng nằm ở khu vực bãi sông hẹp, đê sát sông (đã phải đầu tư xây dựng kè bảo vệ phía ngoài) liên quan trực tiếp đến tuyến đê cấp I bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, nếu công trình có nguy cơ mất an toàn thì cũng là nguy cơ mất an toàn của tuyến đê. Vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp (nơi có bãi sông rộng, cách xa đê) để đảm bảo an toàn đê điều.

1(1)

Ảnh minh họa.

Trong trường hợp phải xây dựng công trình tại vị trí trên, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu giải pháp công trình phù hợp, đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão. Đó là phải tính toán, kiểm tra khả năng ổn định của công trình và đê điều đối với các trường hợp bất lợi, trong đó có trường hợp mực nước sông tương ứng mực nước lũ thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ được duyệt.

Đối với trạm bơm nước thô và công trình thu, tính toán, đánh giá cụ thể ảnh hưởng của việc xây dựng, vận hành công trình đến an toàn đê điều, dòng chảy để lựa chọn quy mô, giải pháp công trình phù hợp, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

Bên cạnh đó, đối với đường ống dẫn nước qua đê, dọc hành lang bảo vệ đê, lựa chọn chủng loại vật liệu có độ bền cao, đảm bảo ổn định lâu dài, không để xảy ra sự cố về đường ống (rò rỉ, nứt vỡ…). Đồng thời, tính toán, đánh giá cụ thể tác động do rung động trong quá trình vận hành đường ống đến kết cấu thân đê, nền đê để có giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đê. 

Tiếp đó phải tính đến trường hợp hệ thống đường ống phía trong đê bị sự cố trong mùa lũ để có giải pháp xử lý phù hợp, không để lũ đi theo đường ống qua đê về hạ lưu. Xây dựng biện pháp và tiến độ thi công phù hợp đảm bảo an toàn đê điều, giao thông và các công trình ngầm hiện có. Xây dựng quy trình quản lý, vận hành; lập các phương án bảo vệ, sẵn sàng hộ đê trong mùa lũ hàng năm cũng như trong trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng phương án bảo đảm an toàn cho công trình (trạm bơm) trong mùa mưa lũ hàng năm phải được UBND thành phố phê duyệt để thực hiện.

Về việc này, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thực hiện theo ý kiến của Tổng cục Thủy lợi.

(Theo HNM)

(Theo HNM)