Biến đổi khí hậu khiến băng “vĩnh cửu” tan sớm 70 năm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 12/07/2019
Mới đây, nhóm các nhà khoa học của Đại học Alaska Fairbanks công bố trên tạp chí khoa học địa chất Geophysical Research Letters về việc những tháng mùa hè nóng bất thường vừa qua đã làm tan chảy bề mặt của các khối băng khổng lồ đã đông cứng hàng thiên niên kỷ dưới mặt đất.
Ông Vladimir Vladimir E. Romanovsky – Giáo sư Địa vật lý tại Đại học Alaska Fairbanks chia sẻ với tờ Reuters: “Đây là hiện tượng gây sốc, nhiệt độ trái đất đang trở nên nóng nhất trong vòng hơn 5.000 năm trở lại đây”.
Ảnh minh họa
Trong quá trình nghiên cứu từ năm 2016, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng máy bay để tới những địa điểm xa xôi nhất của Bắc Cực, bao gồm một căn cứ radar bị bỏ hoang từ thời Chiến tranh Lạnh, cách nơi có người sinh sống hơn 300 km.
Ông Romanovsky cho biết, nơi đây trông giống như bị “bắn phá”, biến đổi hoàn toàn so với cách đây gần một thập kỷ. Thay vì bị phủ trắng bởi băng tuyết, nền đất mấp mô lộ ra với vài vùng trũng lõng bõng nước.
Theo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, hiện tượng này sẽ còn lan rộng hơn, có khả năng huỷ hoại cả Nam Cực, đe doạ sự tồn tại của nền văn minh công nghiệp ở bắc bán cầu. Họ lo ngại rằng băng tan nhanh sẽ giải phóng một lượng lớn khí giữ nhiệt, loại khí này sẽ “hấp thụ” nhiệt lượng từ mặt trời, khiến nhiệt độ trái đất tăng nhanh hơn nữa.
Bài nghiên cứu nhấn mạnh, ngay cả khi các cam kết hiện tại về cắt giảm khí thải theo Thoả thuận Paris được thực hiện, thế giới vẫn không thể tránh khỏi những hiện tượng phức tạp kích hoạt quá trình nóng lên toàn cầu. Do vậy, việc cắt giảm carbon là nhiệm vụ khẩn cấp, cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Bà Jennifer Morgan – Giám đốc điều hành tổ chức Greenpeach International cho biết: “Băng vĩnh cửu tan là một trong những đỉnh điểm của biến đổi khí hậu và nó đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Việc băng tan quá sớm là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy con người cần cắt giảm khí nhà kính ngay lập tức”.
Lan Anh (T/h)