Thanh Hóa: Người dân bản Sa Ná cần lắm một cây cầu dân sinh
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:33, 08/08/2019
Đến bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn), không thể không khỏi xót thương bởi sự tàn phá kinh hoàng của cơn lũ vừa xảy ra. Sa Ná giờ đây chỉ còn là bãi đất hoang tàn, ngổn ngang cây đổ, nhà trôi, nhiều người mất tích trong vô vọng. Người dân bản Sa Ná vốn đã nghèo, nay cơn lũ dữ đi qua để lại cho chính quyền và người dân nơi đây nỗi khốn khổ trăm bề. Người mất con, mất vợ, người bơ vơ một mình không người thân, không nhà cửa.
Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 đã làm 5 người chết (huyện Mường Lát 2 người; huyện Quan Sơn 3 người); mất tích 10 người (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 9 người); bị thương 5 người trên địa bàn huyện Quan Sơn. 76 nhà đã bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại rất nặng, 312 nhà bị thiệt hại một phần, 1.242 nhà bị ngập, phải di dời khẩn cấp 59 hộ. 14 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 trạm y tế xã bị ngập; 2 nhà văn hóa thôn/bản bị sập hoàn toàn và bị sạt lở gây hư hỏng 3 nhà. 136,1ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 930,62ha lúa bị ngập… Mưa lớn đã làm sạt lở ta luy dương, sa bồi với khối lượng khoảng 168.000 m3 tại hơn 340 vị trí, gây tắc 97 vị trí trên các tuyến Quốc lộ 15C, 16, 217, 47 thuộc địa bàn 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện miền núi cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Nhiều ngày qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương; các sở, ban, ngành… dồn sức khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà cửa hư hỏng, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Mưa lũ qua đi, khiến cho bản Sa Ná như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thời điểm mưa lũ kéo dài, người dân phải chờ tới khi nước rút mới tiến hành tự đắp đập, be bờ, làm lại cây cầu để đi lại qua sông. Ước mơ về một cây cầu treo dân sinh chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.
Đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ngày ngày mong ước có một cây cầu treo kiên cố được xây dựng không chỉ để việc đi lại được an toàn, thuận lợi, không còn cảnh bị cô lập, mà còn là điều kiện để các bản vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Chị Hà Thị Tơm, người dân bản Sa Ná nghẹn ngào than thở: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh hoang tàn thế này. Các anh thấy đó, trường học đã bị hư hỏng hết, còn đường xá thì ngổn ngang đất đá. Cứ mỗi khi nước mùa mưa về, người dân chúng tôi lại bị cô lập bởi dòng sông Luồng này”.
Còn anh Hà Văn Hưng ngồi thất thần bên đống đổ nát cho biết, nhiều năm qua, người dân bản Sa Ná mơ ước có một cây cầu bắc qua sông Luồng để các con, cháu trong bản yên tâm đến trường, người dân cũng có cơ hội buôn bán, phát triển kinh tế gia đình. “Mấy năm trước thấy có cán bộ về đo dạc bảo chuẩn bị xây cầu, dân chúng tôi chờ mãi mà chẳng thấy đâu. Giờ lũ dữ quét sạch nhà cửa, ruộng vườn tan hoang thế này, không biết dân chúng tôi sống sao đây?”, anh Hà Văn Hưng nói.
Cây cầu bằng phao tạm bắc qua sông Luồng. Ảnh: Dân sinh
Theo ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Trước đây có một dự án thuộc Chương trình 30a làm đường từ bản Sa Ná và làm đập tràn qua sông Luồng. Thấy việc xây đập tràn qua sông Luồng là bất hợp lý, huyện đã xin UBND tỉnh xây dựng cây cầy bắc qua sông Luồng thay cho đập tràn và đã được tỉnh chấp thuận. Đợt mưa lũ vừa qua, Quan Sơn bị thiệt hại nặng nề. Trước mắt, tỉnh và các sở, ban, ngành đang dồn sức để khắc phục hậu quả do mưa lũ, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.
Về lâu dài, huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh các nội dung và mong tỉnh sớm chấp thuận các kiến nghị của huyện: Khu tái định cư cho các hộ bị sạt, trôi nhà tại bản Sa Ná vừa qua; đầu tư xây dựng hệ thống trường học, nhà văn hóa và đập mương để đảm sinh kế cho người dân bản địa; sớm xây dựng cây cầu dân sinh bắc qua sông Luồng vào bản Sa Ná, đáp ứng nhu cầu đi lại qua sông cho nhân dân và giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân khi mùa mưa lũ đến”.
Ngọc Ánh (t/h)