Amazon – ‘Lá phổi xanh’ của hành tinh đang bốc cháy
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 23/08/2019
Theo Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF), nếu rừng này bị tổn hại không thể khắc phục được, nó có thể bắt đầu sinh ra carbon, nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu.
Trung tâm Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE) tuần này nói số vụ cháy ở Brazil cao hơn 80% so với năm ngoái. Hơn một nửa số vụ cháy xảy ra ở khu vực Amazon, gây nên thảm họa cho môi trường và hệ sinh thái địa phương. 99% số vụ cháy xuất phát từ hành động của con người “hoặc cố tình hoặc vô ý”, theo ông Alberto Setzer, nhà khoa học cao cấp tại INPE.
Theo đó, đã có tổng cộng 72.843 vụ cháy tại Brazil trong năm nay, hơn một nửa trong số đó nằm ở khu vực rừng Amazon, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Amazon được coi là lá phổi xanh của Trái Đất, sản sinh ra 20% lượng oxy trong khí quyển của hành tinh. Khu rừng nhiệt đới này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, là nơi sinh sống của các loài động, thực vật quý hiếm. Có diện tích tương đương một nửa nước Mỹ, đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Khu rừng nhiệt đới thường có sức chống hạn khá cao này trong tương lai sẽ có ít thời gian để phục hồi hơn giữa các đợt khô hạn. Vào cuối thể kỷ này, nhiệt độ đang tăng dần của khu vực có thể đạt tới mức cao nhất trong vòng 10 triệu năm qua và do đó, gây bất ổn cho một hệ sinh thái có vai trò trọng tâm trong nhiệm vụ điều tiết khí hậu toàn cầu.
Rừng Amazon đang cháy ở mức độ cao nhất kể từ năm 2013
Trong những ngày gần đây, nhiều hình ảnh và video được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy tình cảnh hết sức thảm khốc của lá phổi xanh Trái Đất đang bốc khói, những đám cháy kéo dài hàng cây số để lại đằng sau là một khoảng đất chết chóc màu đen.
Khói từ các đám cháy đã “với” đến cả thành phố Sao Paulo, nơi cách đó hơn 2.700 km. Nhiều hình ảnh được đăng tải cho thấy bầu trời của thành phố tối đen dù chỉ là giữa giờ chiều, mặt trời bị che bởi những đám mây khói và tro.
Sông Amazon trải dài trên một số quốc gia Nam Mỹ này, nhưng hơn hai phần ba của khu rừng nhiệt đới nằm ở Brazil.
Theo INPE, diện tích tương đương hơn 1,5 sân bóng đá của rừng nhiệt đới Amazon đang bị phá hủy mỗi phút mỗi ngày.
Nhiều người đã lo ngại trước tình trạng của khu rừng Amazon, lập ra nhiều phong trào trên mạng xã hội để kêu gọi chính quyền cứu lấy khu rừng này.
Các nhóm hoạt động vì môi trường từ lâu đã vận động để cứu lấy Amazon, đổ lỗi cho vị Tổng thống cực hữu của Brazil, ông Jair Bolsonaro, vì đã gây nguy hiểm đến khu rừng nhiệt đới quan trọng này. Họ cáo buộc ông thiếu kiểm soát môi trường trong nước và khuyến khích phá rừng.
Chính sách môi trường của ông Bolsonaro từ lâu đã là một nguồn gây tranh cãi lớn. Là một cựu sĩ quan quân đội, ông đã có lời hứa trong chiến dịch tranh cử là khôi phục nền kinh tế bằng cách khám phá tiềm năng kinh tế của Amazon.
Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán rằng trong khoảng 1999 – 2010, có tới 3% diện tích rừng Amazon đã bị cháy. Trong những năm có những đợt cháy rừng lá thấp nghiêm trọng nhất, diện tích rừng bị cháy còn vượt cả diện tích bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và hoạt động canh tác nông nghiệp. Trong những năm khô hạn, tình trạng trên còn bị làm trầm trọng hơn bởi nạn phá rừng.
Trong những năm bình thường, hơn 7 triệu km2 rừng nhiệt đới của Amazon hoạt động như một máy hút CO2 tự nhiên của toàn cầu: khối lượng CO2 được hấp thụ luôn cao hơn so với khối lượng CO2 bị thải ra. Tuy nhiên, trong những năm khô hạn, khi nhịp độ tăng trưởng của thảm thực vật suy giảm và các cây lớn bị chết, khối lượng CO2 được hấp thụ sụt giảm
Ngày 21-8, ông Bolsonaro cho rằng các vụ hỏa hoạn gần đây ở Amazon có thể do các tổ chức phi chính phủ gây ra nhằm thu hút sự chỉ trích quốc tế đối với chính phủ của ông.
Vào tháng 7, tổ chức Greenpeace đã gọi ông Bolsonaro và chính phủ của ông là “mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng khí hậu” và cảnh báo rằng về lâu dài, các chính sách của ông sẽ chịu “chi phí lớn” cho nền kinh tế Brazil.
Ngọc Ánh (t/h)