Tình trạng nóng lên toàn cầu đang hủy hoại các đại dương
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:30, 27/09/2019
Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hoặc chứng kiến các thành phố bị nhấn chìm trong nước biển, sông ngòi khô cạn và hệ sinh thái đại dương bị hủy hoại.
Đó là lời cảnh báo mang tính thức tỉnh mạnh mẽ đối với cộng đồng thế giới, được các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu đặc biệt của Liên hợp quốc về đại dương và tầng băng quyển đưa ra ngày 25/9.
Trong báo cáo đánh giá đặc biệt, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu đang hủy hoại các đại dương và các vùng đất còn đóng băng trên Trái Đất theo những cách mà trực tiếp đe dọa tới phần lớn nhân loại.
Những tảng băng tan, nước biển dâng, “vùng chết” trên đại dương và tảo độc hại là một loạt tác động đối với đại dương và tầng băng quyển, làm suy giảm số lượng cá, phá hủy các nguồn nước ngọt có thể tái tạo và hình thành những trận siêu bão tàn phá các thành phố lớn mỗi năm.
Theo IPCC, những tác động này là không thể đảo ngược.
Báo cáo dài 900 trang của IPCC cho biết, kể từ năm 2005, mực nước biển đã dâng nhanh hơn 2,5 lần so với trong thế kỷ 20 và dự báo sẽ tăng nhanh hơn gấp 4 lần nữa vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục không giảm.
Cá voi hoa tiêu bị mắc cạn tại Farewell Spit của New Zealand. (Ảnh: AFP/TTXVN)
66 nước đưa ra mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu
Giáo sư Bruce Glavovic, Đại học Massey của New Zealand, đồng tác giả của báo cáo, cảnh báo nước biển dâng là một “cuộc khủng hoảng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.”
IPCC cũng cảnh báo đến năm 2050, nhiều thành phố lớn ven biển và các đảo quốc nhỏ sẽ phải trải qua những gì từng là thảm họa thời tiết chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ, ngay cả khi lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm mạnh.
Không chỉ vậy, vào giữa thế kỷ này, hơn 1 tỷ người sẽ phải sống ở những vùng trũng thấp dễ bị lốc xoáy, lũ lụt trên diện rộng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do tác động của tình trạng nước biển dâng.
Một số thành phố, trong đó có New York của Mỹ, đang lên kế hoạch chi hàng chục tỷ USD, thậm chí nhiều hơn, để gia cố hệ thống đê điều phòng vệ.
Theo các nhà khoa học IPCC, việc tăng cường hệ thống đê điều phòng chống lũ cùng các biện pháp khác sẽ giúp giảm từ 100-1.000 lần nguy cơ xảy ra lũ lụt do mực nước biển dâng trong 80 năm tới. Nhưng kinh phí bỏ ra là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, đối với nhiều đại đô thị và các thành phố vùng đồng bằng ở các nước đang phát triển, một giải pháp về kỹ thuật sẽ là không thực tế hoặc rất tốn kém.
Báo cáo của IPCC được hoàn tất ngày 24/9 trong phiên thảo luận kéo dài 27 giờ đồng hồ tại Monaco, với sự tham gia của các tác giả và đại diện các chính phủ.
Báo cáo là kết quả hai năm làm việc của IPCC, được 100 tác giả tổng hợp sau khi phân tích, đánh giá 7.000 nghiên cứu học thuật.
Báo cáo được công bố hai ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu ở New York của Mỹ, khép lại mà không đưa ra được những cam kết mạnh mẽ nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phương Anh (T/h)