Năm 2050, các thành phố ven biển sẽ hứng chịu ‘thảm họa thế kỷ’
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:30, 27/09/2019
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thất bại trong việc đưa ra các cam kết “thay đổi trò chơi“ nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon, Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc trái đất nóng lên khiến các đại dương và không gian băng giá của trái đất bị tàn phá đang trực tiếp đe dọa đến một bộ phận lớn loài người.
Các tảng băng vỡ vụn, sóng nhiệt biển, sông băng tan chảy, vùng chết đại dương – một loạt các tác động trên biển và băng đang làm suy giảm nguồn cá, nâng mực nước biển, làm cạn kiệt các nguồn cung cấp nước ngọt và gây ra các siêu bão vẫn những năm gần đây. Những tác động này không thể đảo ngược trong một khoảng thời gian dài hàng thế kỷ – theo một đánh giá mang tính bước ngoặt được phê chuẩn bởi Ủy ban liên chính phủ 195 quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC).
Nhiều thành phố ven biển sẽ bị hủy diệt nặng nề bởi thảm họa khí hậu
Theo đó, tới năm 2050, nhiều khu vực duyên hải năm nào cũng sẽ trải qua những thảm họa thời tiết cả thế kỷ mới có một lần, ảnh hưởng tới hàng triệu người. Báo cáo cũng nói rằng cần cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách mạnh mẽ để kiềm chế thay đổi khí hậu trong bối cảnh thế giới đã ấm lên 1 độ C.
Tình trạng này đã khiến các đại dương ấm hơn và có tính axit hơn, ảnh hưởng tới các loài cá. Băng tan sẽ khiến mực nước biển dâng. Hàng trăm triệu người khắp thế giới đang sống trong các khu vực duyên hải có địa hình thấp, từ làng quê cho tới các đại thành phố. Những nơi này sẽ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng cao, sẽ hứng chịu nhiều bão lũ nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu mới nói trên cảnh báo rằng thiệt hại do bão lũ sẽ tăng mạnh. Tảng băng và sông băng tan chảy, sóng nhiệt trên đại dương sẽ tiêu diệt san hô. Các dại dương hấp thụ phần lớn lượng nhiệt thừa tạo ra do Trái Đất ấm lên và hấp thụ khí CO2, khiến nước biển bị axit hơn, hủy hoại sinh vật biển.
Nhiều người sống ở khu vực núi cao cũng bị ảnh hưởng bởi các mối nguy do sông băng và băng tan gây ra. Những người sống ở hạ nguồn sẽ bị tác động bởi những thay đổi diễn ra ở thượng nguồn, ví dụ như nguồn nước và an ninh lương thực bị ảnh hưởng.
Mực nước biển đã dâng lên trên phạm vi toàn cầu khoảng 15cm trong thế kỷ 20. Mực nước biển đang dâng lên nhanh gấp đôi với tốc độ 3,6mm/năm. Tốc độ này nhanh dần khiến băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy.
Mực nước biển có thể tăng khoảng 30cm tới 60cm vào năm 2100 ngay cả khi thí thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm nhanh chóng và tình trạng ấm lên toàn cầu được giữ ở mức dưới 2 độ C. Nếu khí thải vẫn gia tăng, mực nước biển sẽ tăng từ 60 đến 110cm.
Nước biển tăng kết hợp với thủy triều hoặc bão sẽ tạo ra các đợt sóng trào và lũ lụt cực đoan. Báo cáo cảnh báo rằng Trái Đất ấm lên nữa sẽ gây ra các sự kiện thời tiết mà cả thế kỷ mới xảy ra một lần và các thảm họa này sẽ diễn ra hàng năm vào năm 2050.
Thiệt hại do lũ lụt ven biển hàng năm có thể tăng 100 đến 1.000 lần vào năm 2100. Một số quốc đảo có thể không thể sinh sống nối do biến đổi khí hậu.
Nhật Lệ (T/h)