Italy: Báo động nguy cơ đổ sụp của núi băng cao nhất châu Âu Mont Blanc
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 26/09/2019
Một phần của núi băng Mont Blanc – ngọn núi cao nhất châu Âu, đang có nguy cơ đổ sụp, khiến giới chức Italy phong tỏa một số tuyến đường quanh núi và sơ tán hoạt động leo núi trên dãy Alps.
Trong thông báo ngày 24/9, Thị trưởng thành phố Courmayeur, Stefano Miserocchi cho biết ước tính khoảng 250.000m3 băng đá có thể tách lở khỏi núi Mont Blanc. Ông Miserocchi cũng đã quyết định đóng cửa hai tuyến đường và sơ tán người leo núi sau khi các chuyên gia cảnh báo một phần núi băng của ngọn núi này đang trượt dần xuống với tốc độ ngày càng tăng, đe dọa thung lũng Ferret.
Trong khoảng cuối tháng Tám và đầu tháng Chín, tầng dưới của núi băng đang trượt dần xuống với tốc độ 50-60 cm/ngày.
Các chuyên gia đang giám sát chặt chẽ núi băng này từ năm 2013 để theo dõi tốc độ tan băng. Theo lời ông Miserocchi, họ ghi nhận được tỷ lệ này tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, họ chưa thể dự đoán khi nào băng sẽ vỡ.
“Hiện tại không có mô hình hoặc phương pháp thực nghiệm nào có thể cho phép dự đoán định lượng trong trường hợp sông băng có động lực trượt vỡ như Planpincieux”, ông Misococchi nói thêm.
Núi băng Mont Blanc. Nguồn: AFP
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc giới chức lãnh đạo thế giới đang nhóm họp ở New York trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói: “Thông tin về một phần của Mont Blanc có nguy cơ sụp đổ là lời cảnh báo chúng ta không thể thờ ơ. Nó phải khiến tất cả thấy chấn động và buộc chúng ta hành động”.
Trong khi đó, tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có hành động cấp bách trước tình trạng biến đổi khí hậu. Ông nêu rõ việc một phần núi băng Mont Blanc có nguy cơ đổ sụp là lời cảnh báo “rõ ràng.”
Năm 2017, khoảng 50 mét khối băng rơi từ Planpincieux trong khi vào tháng 9/2018, khối băng lớn vỡ từ sông băng de la Charpoua bên sườn đông nam của núi Aiguille Verte.
Nhiệt độ tăng đang khiến các sông băng tan chảy. Các nhà hoạt động môi trưởng ở Thụy Sĩ vừa tổ chức “lễ khóc thương” thứ hai với sông băng Pizol nằm trên núi Glarus Alps của nước này hôm 23/9. Sông băng ở đây đã mất 90% lượng băng từ năm 2006. Hồi tháng 8, một sự kiện tương tự được tổ chức ở sông băng tại Iceland.
Sóng nhiệt trải rộng khắp châu Âu mùa hè vừa rồi cũng được cho là xuất phát từ tốc độ tan băng tăng nhanh.
Ngọc Linh (t/h)