Hàng trăm người “khóc thương” cho dòng sông băng ở Thụy Sỹ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 24/09/2019
Khoảng 250 người đã cùng nhau đi bộ đến sông băng Pizol nằm trên dãy Glarus Alps ở phía đông Thụy Sĩ để tổ chức “lễ tang” hôm 22/9, theo CNN. Tại đây, một giáo sĩ địa phương đã có bài phát biểu để tưởng nhớ sông băng sắp biến mất hoàn toàn.
Một người phụ nữ tham dự “lễ tang” của dòng sông băng Pizol. Nguồn: CNN
Phần lớn người tham gia mặc trang phục màu đen, một số còn đeo mạng che mặt như trong đám tang thực sự.
Nơi trước đây là băng giờ chỉ còn thấy đá núi khô khốc. Sông băng Pizol nằm ở độ cao 2.700 m, đã mất đi 80-90% lượng băng kể từ năm 2006, theo ông Matthias Huss, chuyên gia về sông băng tại Đại học ETH Zurich.
Giờ đây sông băng chỉ có diện tích khoảng 26.000 m2, nhỏ hơn 4 sân bóng đá.
Phần lớn người tham gia lễ tang mặc trang phục màu đen. Nguồn: CNN
Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến thảo luận về biến đổi khí hậu tại New York hôm 23/9, nhân kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
“Pizol đã biến mất. Tuyết vẫn còn nhưng sông băng thì không còn nữa”, ông Huss nói với CNN. Vị chuyên gia nói vẫn còn những mảng băng nhỏ nhưng càng ngày chúng càng bị đá núi bao phủ. “Với những gì còn lại, chúng tôi sẽ không coi nó là sông băng theo thuật ngữ khoa học nữa”, ông nói.
Cũng theo chuyên gia Huss, Pizol sẽ là sông băng đầu tiên được đưa ra khỏi mạng lưới giám sát sông băng của Thụy Sĩ. Sông băng này đã được theo dõi từ năm 1893.
Trong khi đó, bà Alessandra Degiacomi, điều phối viên của Hiệp Hội Bảo vệ Khí hậu Thụy Sĩ, người tổ chức “tang lễ” này”, cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo. “80% sông băng ở Thụy Sĩ có cùng quy mô như Pizol”, bà nói. “Đây là những gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không thay đổi hành vi của mình”.
Bà Degiaconi cho hay tổ chức của bà đã thu được 120.000 chữ ký – hơn số lượng cần thiết là 100.000 – để khởi động một sáng kiến yêu cầu Thụy Sĩ phải cắt giảm hoàn toàn khí thải nhà kính vào năm 2050.
Hàng người leo lên dòng sông băng Pizol có độ cao khoảng 2.700 mét. Nguồn: BBC
Sự kiện ở Thụy Sĩ diễn ra giữa lúc có nhiều cuộc biểu tình kêu gọi nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới vào cuối tuần qua. Sinh viên khởi động phong trào mà các đơn vị tổ chức gọi là “Global Climate Strike”, bắt đầu từ Australia lan sang các đảo quốc Thái Bình Dương, đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và lan khắp châu Âu cho đến Mỹ.
Hồi tháng 7, các nhà khoa học cũng làm “tang lễ” cho sự biến mất của sông băng Okjokull, sông băng đầu tiên ở Iceland “ra đi” vì biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu hồi tháng 6 cảnh báo các sông băng ở Himalaya đang tan với tốc độ chóng mặt, mất đi gần một nửa mét băng mỗi năm kể từ đầu thế kỷ vì sự nóng lên toàn cầu.
Kiều Trang (T/h)