Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, đổ bộ miền Trung vào đêm mai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:06, 29/10/2019
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
ATNĐ di chuyển nhanh (15km/h) theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 20h-21h00 ngày 30/10 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định – Ninh Thuận.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão trong ngày 30/10 và có hướng di chuyển vào đất liền Bình Định – Ninh Thuận. Ảnh: NCHMF.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong hai ngày 30-31/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to. Tổng lượng mưa 300-400 mm mỗi đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600 mm mỗi đợt.
Mưa to cũng xuất hiện ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ ngày 31/10 đến 2/11 với tổng lượng mưa phổ biến 200-300 mm mỗi đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500 mm mỗi đợt. Ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa lớn trong hai ngày 4-5/11.
Từ ngày 30/10, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên với đỉnh lũ ở mức báo động 2-3, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó; riêng BCH PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa sáng 29/10 tổ chức họp triển khai công tác ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng.
Mai An (t/h)