Đến năm 2050 số người bị đe dọa bởi lũ lụt trên toàn cầu tăng gấp 3 lần
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:00, 01/11/2019
Mới đây, tạp chí Nature Communications, Climate Central đã công bố, đến năm 2050, mực nước biển dâng sẽ đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hàng năm tăng cao, gây ngập cho các khu vực hiện có tới 300 triệu người sinh sống. Thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất có khoảng 150 triệu người cư trú, bao gồm 30 triệu người ở Trung Quốc.
Nghiên cứu được công bố của Climate Central bao gồm việc đánh giá riêng rẽ đối với 135 quốc gia trên nhiều kịch bản khí hậu và qua các năm. Kết quả cho thấy các nước châu Á đang đứng trước sự gia tăng lớn nhất về mức độ đe dọa của nước biển dâng. Trong đó, theo các tính toán đến năm 2050, 6 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan) là những khu vực đông dân cư (khoảng 237 triệu người), có nguy cơ sẽ phải hứng chịu các trận ngập lụt ven biển nhiều hơn gấp bốn lần so với những ước tính dựa trên dữ liệu về độ cao của radar tàu con thoi của NASA (SRTM).
Số người phải chịu cảnh ngập lụt sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, Ảnh minh họa
Cụ thể, Climate Central đưa ra danh sách mức độ ảnh hưởng của 6 quốc gia châu Á ngay cả khi khí thải nhà kính được cắt giảm ở các mức vừa phải. Các khu vực trong các quốc gia này có thể phải đối mặt với những mối đe dọa ngập lụt hàng năm vào năm 2050 với số người bị ảnh hưởng nhiều hơn khoảng 183 triệu.
Climate Central sử dụng dữ liệu của CoastDEM – mô hình độ cao kỹ thuật số mới để đưa ra xếp hạng về mức độ ảnh hưởng của 6 quốc gia: Trung Quốc 93 triệu người so với 29 triệu; Bangladesh 42 triệu so với 5 triệu; Ấn Độ 36 triệu so với 5 triệu; Việt Nam 31 triệu so với 9 triệu; Indonesia 23 triệu so với 5 triệu; Thái Lan 12 triệu so với 1 triệu.
Dự tính, đến năm 2100, nếu việc phát thải không được kiểm soát và nguy cơ băng tan sớm, thì 6 quốc gia này sẽ bị chìm dưới mức thủy triều cao, con số này cao gần gấp năm lần so với các đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao hiện có. Cụ thể: Trung Quốc 87 triệu người so với 26 triệu; Bangladesh 50 triệu so với 6 triệu; Ấn Độ 38 triệu so với 6 triệu; Việt Nam 35 triệu so với 13 triệu; Indonesia 27 triệu so với 6 triệu; Thái Lan 13 triệu so với 2 triệu.
Các đánh giá dựa trên CoastDEM cho biết, vào cuối thế kỷ này, nếu không có các công trình phòng chống ngập thì những khu vực hiện là nơi sinh sống của 420 triệu người trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi các trận ngập lụt ven biển hàng năm. Điều này sẽ vẫn diễn ra kể cả khi cắt giảm ở mức vừa phải lượng khí thải carbon.
Tuy nhiên, đây chỉ là những ước tính dựa trên các dự báo mực nước biển tiêu chuẩn và lượng khí thải carbon gần như phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015. Do đó, các ước tính dựa trên lượng khí thải không được kiểm soát và nguy cơ băng tan sớm dự báo rằng mực nước biển dâng cao có thể đe dọa tới 630 triệu người hiện đang sinh sống, trong đó khoảng 340 triệu người đang sống ở những khu vực được dự báo sẽ ngập dưới mức thủy triều cao vào năm 2100.
Hồng Trang (T/h)