Điểm sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long đã lên đến 681 điểm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:02, 27/11/2019
Tại hội thảo quốc tế “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL” do Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức tại An Giang ngày 26-11, giáo sư Mathias G.Kondolf (Đại học Berkeley, Hoa Kỳ) cảnh báo tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long đến hồi báo động.
Đồng bằng sông Cửu Long là một đồng bằng non trẻ, hình thành cách đây 7.000 năm do sự bồi lắng của phù sa từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển tạo nên. Do vậy, Đồng bằng sông Cửu Long có cấu tạo nền địa chất rất yếu và rất dễ bị tổn thương, nên bất kỳ một sự tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này.
Sạt lở hiện nay đã tăng gấp 7 lần so với năm 2010.
Trong nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở, sạt lở bờ xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với những diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương, xã hội; đồng thời nhận được sự ưu tiên quan tâm, xử lý của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành.
Tại hội thảo, GS.TS Trần Linh Thước – hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt bờ xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông ĐBSCL với những diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương và xã hội.
“Số liệu thống kê cho thấy nếu năm 2010 ĐBSCL có 99 điểm xói lở và sạt bờ thì năm 2019 số điểm sạt lở đã lên đến 681 điểm, tăng gần gấp 7 lần… Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đã đến hồi báo động và đòi hỏi phải có những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ ĐBSCL” – ông Thước đề xuất.
Cũng theo ông Thước, qua một số nghiên cứu bước đầu, có một số nguyên nhân gây sạt lở bờ sông ở ĐBSCL.
Một là sự thay đổi tính chất cơ học của đất hai bên bờ sông vào đầu mùa mưa hằng năm kết hợp với sự dao động mực nước dưới sông làm khối đất bờ sông mất ổn định.
Hai là sự bào mòn lòng sông và bờ sông bởi tập trung dòng chảy về một phía tại khúc sông cong.
Ba là sự khai thác cát cát trong lòng sông chưa thật sự khoa học làm ảnh hưởng dòng chảy.
Bốn là tác động của sóng do tàu thuyền lưu thông hoặc kết hợp các nguyên nhân nêu trên.
Ngoài ra, còn có các hoạt động của con người, trong đó các công trình hạ tầng xây dựng quá gần sông, các công trình lấn sông như bến phà, mố cầu, khu dân cư… là những nguyên nhân đóng vai trò không nhỏ đối với tình trạng sạt lở bờ sông.
Mai Anh (t/h)