Sông băng tại New Zealand chuyển thành màu nâu do thảm họa cháy rừng từ Australia
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:30, 03/01/2020
Ngày 1/1, người dân ở nhiều khu vực của Đảo Nam bất ngờ chứng kiến khói mù màu cam và mặt trời đỏ rực khi thức dậy. Hiện tượng này xuất hiện do khói từ các đám cháy ở bang Victoria và New South Wales của Australia bắt đầu bay sang phía đông hôm 31/12.
Đến ngày 2/12, những bức ảnh được chụp từ dãy núi Nam Alps (trải dài theo chiều dài của Đảo Nam) cho thấy khói mù cuốn theo bụi đã nhuộm các đỉnh núi tuyết và sông băng thành màu nâu.
Một bức ảnh được chụp vào ngày 1 tháng 1 cho thấy sông băng Fox và Franz Josef ở New Zealand, đã chuyển sang màu nâu do khói bụi và tro bụi của Australia. Ảnh CNN
Giáo sư Andrew Mackintosh tại Đại học Monash, cựu Giám đốc trung tâm nghiên cứu Nam Cực, cho biết trong gần 2 thập kỷ nghiên cứu về sông băng ở New Zealand, ông chưa từng thấy một lượng bụi mù lớn như vậy di chuyển qua vùng biển Tasman. Điều này có khả năng làm tan chảy sông băng trong mùa này tới 20 – 30%.
Ông giải thích thêm rằng độ trắng của băng tuyết phản ánh sức nóng của mặt trời và khiến những dòng sông băng thấp dễ tan chảy. Khi những dòng sông băng trở nên mờ đục nghĩa là chúng đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn.
New Zealand có đến hơn 3.000 dòng sông băng. Tuy nhiên, kể từ năm 1970, các nhà khoa học nhận thấy chúng đang bị thu hẹp gần 1/3. Với đà này, dự đoán những dòng sông băng sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ.
Khói mù từ Australia bay qua New Zealand cũng khiến những người mắc bệnh hô hấp như hen suyễn không dám ra ngoài trong điều kiện không khí bất thường.
Hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 4 triệu hecta rừng ở 5 bang của Australia từ tháng 9 đến nay, khiến 17 người thiệt mạng và hơn 900 ngôi nhà bị phá hủy, trong đó bang New South Wales chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chính phủ và chính quyền các bang đang nỗ lực ngăn chặn những vụ cháy lớn dưới sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, bao gồm Mỹ.
Lê An (t/h)